Zidane – ranh giới mong manh giữa vinh và nhục

Zidane – ranh giới mong manh giữa vinh và nhục

Nước Pháp bàng hoàng với việc Zinedine Zidane bị đuổi khỏi sân trong trận chung kết World Cup 2006. Hình ảnh tay “kiếm sĩ ngự lâm” già cả buồn bã rời khỏi sân đấu mà không hề liếc nhìn ông Raymond Domenech một chút nào đã đánh bạt tất cả những thông tin về… tuyển Pháp sẽ như thế nào sau ngôi á quân World Cup, đánh bạt cả niềm vui chiến thắng mang tên Amelie Mauresmo (tay vợt nữ người Pháp dám “cả gan” đăng quang tại Wimbledon trên đất Anh). Giờ đây, trên đôi môi của mỗi người Pháp, người ta chỉ nghe một câu hỏi đầy quen thuộc: “Tại sao Zidane lại làm như vậy?”. Nhức nhối thay!

Zidane – ranh giới mong manh giữa vinh và nhục ảnh 1
Zinedine Zidane lặng lẽ rời sân.

Người Pháp đã từng tự hào về anh. Chỉ có anh mới một lần nữa khiến niềm hy vọng vô địch thế giới quay trở lại nước Pháp. Sự bền bỉ, siêng năng của “chiếc đầu tàu” mang nhãn hiện Zidane từ lâu đã trở thành niềm giá trị dân tộc tối cao với mọi người dân Pháp. Thế mà, cú húc đầu định mệnh của anh thẳng vào ngực trung vệ Marco Materazzi (dễ khiến người ta liên tưởng đến hai cú… đánh đầu của chính anh làm tung lưới tuyển Brazil ở chung kết World Cup 1998) đã biến Zidane trở thành… một kẻ quá đỗi xấu tính và ngu ngốc. Còn gì nữa đâu hỡi Zidane.

Phóng viên Claude Droussent trong bài viết đăng trên tờ L’Equipe nổi tiếng đã viết: “Zidane, anh nên biết, điều khó khăn nhất trong buổi sáng ngày hôm nay không phải là việc cố gắng để biết tại sao Les Bleus của anh, thua trong trận chung kết World Cup tối hôm qua mà chính là phải giải thích cho hàng chục triệu người trên thế giới rằng như thế nào mà anh tự đánh mất mình và húc đầu vào ngực Materazzi. Chúng tôi nên nói như thế nào cho đám trẻ con của mình và tất cả mọi người khi anh đã trở thành một biểu tượng mãi mãi? Làm sao mà chuyện ấy có thể xảy ra với một người như anh?”.

Trong khi mọi người Pháp đang rền rĩ vì thần tượng của họ chợt trở thành hình mẫu của… cái xấu, người ta vẫn còn chờ những giải thích từ chính Zidane. Chắc chắn, trong buổi giải trình trước Ủy ban kỷ luật của FIFA, anh sẽ nói rõ tại sao anh lại làm như vậy, rằng Materazzi đã khiêu khích những gì. Thế nào cũng vậy, hình ảnh của Zidane đã hoen màu trong cái nhìn của rất nhiều người.

Vẫn còn nhiều người bảo vệ anh. Bỏ qua mọi thứ, cả những xích mích thời xa xưa, Thierry Henry nói: “Tất cả tôi muốn nói với Zizou, và tôi nghĩ cả nước Pháp, cả bóng đá thế giới cũng nói vậy: cảm ơn. Và cảm ơn, vậy thôi”. Willy Sagnol cũng tỏ ra rất rộng lượng: “Ngược lại, chúng tôi nên cảm ơn anh ấy vì nếu không có anh quay trở lại đội tuyển, chúng tôi làm sao có thể hiện diện tại đây”. Ai bảo vệ thì cứ bảo vệ, chỉ trích thì cứ chỉ trích, dư luận vốn dĩ là như thế kia mà!

Vậy nên, ranh giới giữa một anh hùng và một tội đồ là rất mong manh. Zidane đang đứng chênh vênh giữa ranh giới ấy. Sai lầm phải trả giá, nhưng vấn đề là trả giá ở mức độ nào? Công – tội có đủ bù cho nhau hay không? Đành tiếp tục chờ vậy…

HOÀNG DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục