Chia tay Kiatisak

Bóng đá Việt Nam chia tay một người bạn lớn

Bóng đá Việt Nam chia tay một người bạn lớn

Một cầu thủ rời sân cỏ… Chuyện bình thường ở bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, một cầu thủ nước ngoài chia tay sân cỏ Việt Nam được tổ chức thành một buổi lễ trang trọng, hoành tráng (vào chiều chủ nhật này trên sân vận động Pleiku)  thì đó lại là điều đáng nói. Vì đó là Kiatisak Senamuang (ảnh), mà người hâm mộ từ Thái Lan đến Việt Nam còn gọi bằng cái tên thân mật: “Zico Thái”.

Bóng đá Việt Nam chia tay một người bạn lớn ảnh 1

Tôi gặp Kiatisak lần đầu hồi năm 1997, trong một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng nơi hành lang sân vận động Senayan (Jakarta, Indonesia), sau trận bán kết SEA Games 19 giữa Việt Nam và Thái Lan. Cũng chính từ lần gặp gỡ đầu tiên ấy, Kiatisak đã gây cho tôi một ấn tượng rất tốt về anh: chân thành, cởi mở với mọi người và đặc biệt rất vui tính.

Từ đó, cứ đến kỳ SEA Games, chúng tôi lại có dịp gặp nhau và không chỉ có mỗi chuyện phỏng vấn khô khan. Chúng tôi là bạn của nhau lúc nào không biết. Lần công tác tại giải bóng đá U20 Đông Nam Á tổ chức ở Bangkok, tôi liên lạc với Kiatisak và đề nghị một cuộc phỏng vấn. Dù lúc ấy anh đang ở quê, cách thủ đô hơn 200km, nhưng không ngại lái xe vượt đoạn đường dài để giúp tôi thực hiện bài phỏng vấn. Tôi còn nhớ câu nói đầu tiên của anh khi chúng tôi gặp nhau: “Gặp lại bạn bè cũng là điều tốt. Anh vượt hàng ngàn kilômét đến Thái Lan thì Zico đi vài trăm kilômét gặp anh thì có gì đâu”.

Anh là một chàng trai tốt, người mà mọi thói xấu làm ảnh hưởng đến gia đình và nghề nghiệp đá bóng của anh đều bị loại ra ngoài. Hôm chúng tôi trò chuyện với nhau tại TPHCM, khi anh đi nhận giải thưởng “Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất năm 2004”, anh tâm sự: “Với tôi, quê hương là trên hết, rồi đến gia đình và nghề nghiệp. Mình không được làm điều gì tổn hại đến ba thứ đó”.

Khi thân nhau, anh “bật mí” nhiều câu chuyện thú vị, như cái “nickname” đã trở thành quen thuộc của anh, tức “Zico”. Anh nói rất thích lối chơi và phong cách của cầu thủ Brazil tài hoa này, nhưng thú thật cũng chưa có dịp gặp “thần tượng” của mình. Hay như cú santo mỗi khi ghi bàn thắng là do khi còn học trung học, anh vốn là một vận động viên môn thể dục của trường và cú nhào lộn trên sân cỏ đầu tiên của anh là mừng bàn thắng ghi được trong trận Thái Lan hạ Oman 2-0 hồi năm 1998.

Trong nhiều lần trò chuyện với những người có trách nhiệm, tôi đều đề cập đến những đóng góp của Kiatisak Senamuang đối với tình hữu nghị giữa Việt Nam và Thái Lan, một đại sứ đúng nghĩa. Anh là một tấm gương mà cầu thủ Việt Nam cần học tập, noi theo. Một tấm huy chương hữu nghị, hay cao hơn là “Công dân danh dự” dành tặng cho chàng trai người Thái ấy không có gì là quá đáng.


MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục