Điểm đen bóng đá

Vụ bạo hành trên sân Thanh Hóa chiều 12-8 có thể xem là điểm đen của bóng đá Việt Nam trong năm 2007. Ngoài một cầu thủ bị khán giả vây đánh tét đầu (thủ môn Đức Nam), các cầu thủ Sông Lam Nghệ An còn lại bị đuổi đánh, bị ném đủ thứ vật cứng vào người trước sự bất lực của lực lượng trật tự, cảnh sát bảo vệ sân.

Trong hai lần manh động trước, giới truyền thông – trong đó có báo SGGP đã tìm kiếm những nguyên nhân sâu xa, tìm cách thông hiểu tình cảm của người hâm mộ xứ Thanh và xác định việc xử lý vừa có tính răn đe, vừa giáo dục, tạo điều kiện cho bóng đá Thanh Hóa tìm lại đúng vị trí của mình, hòa chung sức sống khỏe mạnh của bóng đá Việt Nam. “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, đó là chân lý của bản án kỷ luật có tính nương nhẹ dành cho người thực tâm hối lỗi.

Song, qua lần bạo hành sân cỏ mà trong bóng đá gọi là hooligan vừa qua trên sân Thanh Hóa (trận SLNA thắng Thanh Hóa 2-1) chính là giọt nước cuối cùng làm tràn nước ra khỏi chiếc ly kiên nhẫn của mọi người. Điều đầu tiên mà chúng tôi muốn nói là đề nghị Ban tổ chức giải và cấp cao hơn là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải xử lý thật nặng, thật nghiêm bóng đá Thanh Hóa nói chung và những người có trách nhiệm trong trận đấu này. BTC cần xem xét lại khả năng tổ chức trên sân Thanh Hóa ở các vòng đấu cuối và liệu có nên cấm tổ chức tất cả các trận sân nhà của đội bóng này đến hết mùa giải?

Vấn đề cũng không dừng lại ở những bản án thể thao, mà đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại. Vụ bạo hành này không nên giới hạn trong phạm vi thể thao, mà cần được xem xét một cách nghiêm túc về mặt an ninh, trật tự xã hội. Nếu các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc, tìm ra những kẻ chủ mưu, những tên côn đồ thật sự để trừng trị trước pháp luật thì Thanh Hóa khó xóa được vết nhơ bóng đá, làm tổn thương những người hâm mộ bóng đá chân chính của xứ Thanh.

Linh Giao

Tin cùng chuyên mục