Thư Quảng Châu: Nụ cười Trung Hoa

Thư Quảng Châu: Nụ cười Trung Hoa

Sáng qua, nhóm phóng viên của báo SGGP Thể Thao đã có mặt tại thành phố Quảng Châu, nơi sẽ diễn ra đại hội thể thao lớn nhất châu lục trong những ngày tới. Đáp chuyến bay thẳng từ TPHCM đến Quảng Châu kéo dài gần 4 giờ đồng hồ, vừa đặt chân đến sảnh của sân quốc tế Bạch Vân, không khí Asian Games đã hừng hực đến rợp trời.

Khắp mọi ngóc ngách của sân bay to vật này, nơi nào, bạn cũng thấy “dính dáng” đến Á vận hội. Băng rôn, biểu ngữ, panô quảng cáo chào mừng Asian Games 16, cùng 5 chú dê - biểu tượng của thành phố và cũng là linh vật của đại hội - giăng mắc khắp nơi khiến mọi người không khỏi háo hức.

Một nhóm tình nguyện viên tại sân bay. Ảnh: Hồng Long

Một nhóm tình nguyện viên tại sân bay. Ảnh: Hồng Long

Ngay cửa khẩu sân bay, khi mọi hành khách phải xếp hàng đông đúc để làm thủ tục nhập cảnh, thì các phóng viên SGGP Thể Thao và những thành viên của các đoàn khác đã được nhân viên an ninh tươi cười rạng rỡ hướng dẫn đến bàn thủ tục dành riêng cho các thành viên tham dự Á vận hội, và chưa đến 1 phút, thế là xong!

Bước vào trong, một dãy bàn dài tiếp đón các thành viên Asian Games khiến mọi người… khá ngợp, vì số lượng tình nguyện viên “đông như quân Nguyên”, trong khi những phóng viên như chúng tôi có mặt vào trưa hôm qua chẳng mấy người. Nụ cười của các chàng trai, cô gái Trung Hoa tươi rói đến đáng yêu, và dù họ vẫn còn khá ngượng nghịu và lúng túng ở một số thao tác trong tiếp đón (có lẽ do chưa quen), nhưng sự nhiệt tình là có thừa, và khiến người ta phải vui lây vì sự trẻ trung, năng động của họ.

Trưa hôm qua, đồ đạc của người viết chẳng hiểu sao chẳng thấy xuất hiện ở khu vực lấy hành lý. Lập tức, các tình nguyện viên lẫn nhân viên của hãng hàng không ở đây đã nháo nhác chạy kiếm khắp nơi, và dù việc tìm kiếm này kéo dài hơn nửa giờ, nhưng nói thật, người viết chẳng có cảm giác gì là bực bội, trái lại còn thấy như mình… có lỗi khi để các bạn trẻ ấy vất vả như thế.

Chưa hết, các tình nguyện viên trẻ ấy lại hướng dẫn tất cả những vấn đề mà chúng tôi cần, từ việc đổi tiền, mua sim điện thoại, cho đến cách nạp thẻ điện thoại. Vì khổ nỗi, trên tất cả những cái sim card ấy nếu tìm được 1 câu hướng dẫn bằng tiếng Anh là “chết liền”, tất cả đều thể hiện bằng “thư pháp Hoa ngữ”, mà cái ngôn ngữ thì hầu hết mọi người bó tay.

Thậm chí, họ còn gọi điện đến cả khách sạn mà chúng tôi đã đặt sẵn để hỏi địa chỉ và hướng dẫn cho bác tài chở chúng tôi về tận nơi, bởi các bác tài ở đây một chữ tiếng Anh cắn đôi cũng không biết. Vì thế, có thể nói, ấn tượng sâu sắc nhất ngay ngày đầu tiên chúng tôi khi đặt chân đến Quảng Châu chính là nụ cười Trung Hoa. Nụ cười của các bạn trẻ tình nguyện viên Trung Quốc.

Hôm qua, dọc đoạn đường hướng dẫn chúng tôi ra bãi đậu taxi, một bạn tình nguyện viên đã hỏi: “Anh cảm thấy thế nào khi lần đầu tiên đến đây?”. Tôi đã chẳng suy nghĩ và đáp ngay: “Tôi cảm thấy ấn tượng nhất chính là nụ cười của các bạn”, khi ấy, các bạn trẻ này lại thêm một lần nữa cười tít mắt.

o0o

Trước khi đến Quảng Châu, tôi đã dò hỏi những đứa em đang du học ở Quảng Châu và những người từng đến thành phố này rằng: “Ở đây, họ nói tiếng Anh tốt không?”. Hầu hết câu trả lời là “họ chỉ nói tiếng Trung Quốc và tiếng Việt”. Thấy tôi ngạc nhiên, mọi người mới giải thích, bởi người Việt buôn bán ở đây nhiều lắm nên rất nhiều người biết nói tiếng Việt.

Tuy nhiên, ở ngày đầu đến nơi đây, người nói tiếng Việt đâu chưa thấy, chỉ thấy chẳng ai “chịu” nói tiếng Anh với mình. Ngay cả các cô tiếp tân xinh xắn của khác sạn, khi chúng tôi đến nhận phòng, các cô đều cười rất tươi và nói được đúng 4 chữ: “Sorry, I don’t know” (Xin lỗi, tôi không biết), và nếu không có anh bạn đồng nghiệp bên Thông Tấn Xã, từng là tuyển thủ môn đấu kiếm và có thời gian ăn dầm nằm dề tập huấn bên Trung Quốc làm người “thông ngôn” giúp, có lẽ cả bọn đã “cắn lưỡi” chết.

Trong khi đó, các bác tài xế taxi thì đúng là… tai họa. Khi mọi người yêu cầu chở đến nơi đội tuyển Olympic Việt Nam tập luyện, hay trung tâm báo chí, các bác đều nhe răng cười hớn hở kèm theo cái lắc đầu quầy quậy, hoặc xổ ra cả tràng tiếng Hoa, mà chẳng ai hiểu ai nói cái gì. Kết quả là dù có bản đồ đưa ra chỉ đường hẳn hoi, nhưng đường đến các địa điểm này vốn đã xa, lại được các bác làm… xa thêm, khiến người phương xa như chúng tôi vừa tốn thêm tiền, vừa mất thời gian mà chẳng biết nên cười hay nên mếu.

Ôi, thôi thì cũng là nụ cười Trung Hoa vậy! 

ĐỖ TUẤN


Ấn tượng ban đầu

Giới truyền thông châu Á rất bất ngờ trước món quà từ Ban tổ chức Asian Games ở ngày đầu tiên đến tác nghiệp tại Trung tâm báo chí (MPC). Với mỗi phóng viên, biên tập viên, miễn là có thẻ tác nghiệp chính thức, đều nhận được một túi đựng máy vi tính có in hình biểu tượng ngày hội thể thao châu Á.

Cẩn thận đến mức BTC chuẩn bị các phần quà gồm đủ mọi vật dụng, từ bản đồ thành phố Quảng Châu, hướng dẫn địa điểm thi đấu, phố mua sắm, nhà hàng ăn uống, đến cây dù, thuốc chống muỗi, kem chống nắng, băng y tế, kim chỉ, dù che mưa nắng… Đồng thời được hướng dẫn tận tình để bảo đảm sức khỏe trong những ngày lưu lại Quảng Châu.

Tình nguyện viên tại MPC tận tình hướng dẫn cho các phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp tại đại hội. Ảnh: B.N

Tình nguyện viên tại MPC tận tình hướng dẫn cho các phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp tại đại hội. Ảnh: B.N

Nói chung, ngay từ thời điểm đầu tiên khi đặt chân đến thành phố Quảng Châu, giới truyền thông đã có cảm tình với phong cách tổ chức khá chuyên nghiệp và rất nhẹ nhàng của các thành viên trong BTC, đặc biệt là của hơn 500 tình nguyện viên đang làm việc cật lực tại MPC. Nhiều phóng viên nước ngoài bị cấp nhầm thẻ tác nghiệp hoặc mã vạch kiểm soát không hiển thị đúng với hồ sơ lưu trữ cũng được giải quyết ở MPC khá chóng vánh. Tất nhiên, ngoại trừ các trường hợp khó hơn như làm thẻ mới.

Dù rằng, với nhiều phóng viên, quãng đường di chuyển từ khách sạn lưu trú đến MPC hoặc các địa điểm tập luyện và thi đấu của Asian Games 2010 tại Quảng Châu khá xa, thậm chí khá lòng vòng, nhưng những ấn tượng ban đầu về Quảng Châu đã tạm xóa đi tất cả… 

VIỆT HÙNG

Tin cùng chuyên mục