Xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời triển khai thực hiện phương án quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, sẽ là một trong những chương trình trọng điểm để TPHCM từng bước hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại. Đây là mục tiêu chính của dự án cùng tên, được Sở Công thương TPHCM soạn thảo và hoàn thiện vào tháng 7-2013 vừa qua.
Vì người tiêu dùng
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, việc nghiên cứu, xây dựng “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” trước hết là nhằm bảo đảm an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương tại chợ, từng bước thực hiện văn minh thương mại, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển của TP. Việc triển khai thực hiện đề án sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý của ban quản lý chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu trên thì chủ thể trong mô hình thí điểm dự án chính là những thương nhân kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại các chợ trên địa bàn và ban quản lý chợ. Phạm vi thực hiện dự án bao gồm các chợ thuộc quy hoạch của TP được lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm và các chợ thuộc đối tượng được chọn để nhân rộng mô hình trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, các mặt hàng nằm trong dự án sẽ là thực phẩm tươi sống của chuỗi an toàn thực phẩm, sản phẩm tươi sống của chợ đầu mối cung ứng cho các chợ truyền thống như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản, cùng các dịch vụ kinh doanh ăn uống tại các chợ.
Đề án cũng xác định rõ cơ quan phối hợp bao gồm Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm), Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các quận, huyện. Kinh phí phục vụ công tác nhân rộng mô hình giai đoạn 2013-2015 sẽ do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng xây dựng trình UBND Thành phố phê duyệt, kết hợp với nguồn vốn Trung ương theo Chương trình mục tiêu Quốc gia và huy động vốn xã hội hóa.
Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, để triển khai thành công đề án trong bối cảnh hiện nay là điều không dễ dàng. Bên cạnh khó khăn về kinh phí trong việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng các chợ thì ý thức cũng như hành vi của tiểu thương cũng là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi lẽ họ mới chính là chủ thể để thực hiện dự án chứ không phải ai khác.
Khó nhưng phải làm
Theo bà Bùi Thị Thùy Duyên, Phó Trưởng phòng quản lý Thương mại Sở Công thương, vừa qua các sở ngành chức năng đã bàn bạc và đi đến quyết định chọn chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là 2 chợ đầu tiên của TP triển khai xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm. Cách làm sẽ được thực hiện theo dạng “cuốn chiếu”, tức chọn ngành hàng đã được phân khu riêng biệt hoặc tương đương. Chủ thể kinh doanh cố định phải có đăng ký kinh doanh. Theo đó, các mặt hàng chủ yếu đang mua bán trong chợ cơ bản đã xác định được nguồn gốc.
Cụ thể, tại chợ Bến Thành, sở đã bàn bạc với ban quản lý chợ thống nhất chọn ngành hàng thịt gia súc, thịt gia cầm; rau củ quả và ngành hàng ăn uống để triển khai thí điểm. Bên cạnh việc thực hiện theo các tiêu chí từ đề án, Vụ thị trường trong nước cũng tư vấn nên chú ý thêm các vấn đề để tạo sự đồng bộ như nhặt rau sẵn và rửa sạch… nhằm mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng khi đến mua hàng tại đây. Tuy nhiên, để làm được việc này, về phía các sở ngành, quận, huyện cũng như ban quản lý các chợ phải có sự am hiểu và phân vai thật cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm các bên trong việc vận động và hỗ trợ tiểu thương trong quá trình thực hiện.
Tương tự, đối với chợ đầu mối Hóc Môn, các bên cũng thống nhất sẽ chọn ngành hàng thịt gia súc, đồng thời đầu tư để nâng cấp một phần khu vực rau củ quả để triển khai đề án. Cũng theo bà Thùy Duyên, ở ngành hàng thịt gia súc, khả năng thực hiện thí điểm mô hình an toàn thực phẩm thành công là khá cao vì hiện nay nguồn thịt về chợ đều đã thực hiện tốt công đoạn truy suất nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng với mặt hàng rau củ quả thì không đơn giản vì hiện nay tỷ lệ hàng hoá truy suất chiếm tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân chính, cho đến nay chúng ta vẫn chưa hình thành được vùng chuyên canh rau củ quả, cung ứng cho thị trường với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, cũng không dễ dàng để đưa việc kinh doanh ngành hàng rau củ quả đi vào khuôn khổ vì lâu nay tiểu thương họ đã quen với cách nghĩ, cách bán hàng thoả mái. Nhận thức được điều này, nên các sở, ngành cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai như tăng cường tuyên truyền cho tiểu thương hiểu được tầm quan trọng cũng như hiệu quả của việc thực hiện dự án. Chính vì lẽ trên, trước mắt các bên đã chọn 16 hộ kinh doanh rau củ quả khu E (trong tổng số 165 hộ kinh doanh rau củ quả) đã và đang kinh doanh các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP để thực hiện thí điểm. Nếu thành công, sẽ khuyến khích các hộ kinh doanh còn lại cùng tham gia đề án.
“Đây là một dự án rất khó thực hiện vì liên quan đến nhiều vấn đề, nhưng nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được. Khởi điểm của dự án chỉ từ một vài ngành hàng, nhưng nếu làm hiệu quả thì sẽ tạo hiệu ứng như vết dầu loang, tiểu thương khi họ thấy có lợi thì sẽ tạo đà để TP có thể triển khai đến nhiều ngành hàng và nhiều chợ khác” - bà Duyên nhìn nhận.
Những tiêu chí cơ bản của mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm 3 - Về cơ sở vật chất, kỹ thuật của chợ: - Có đầy đủ hệ thống cấp điện, cấp nước phục vụ cho công tác kinh doanh tại chợ. |
HẢI HÀ