Thí sinh cần cân nhắc để có quyết định phù hợp

Trong những ngày qua, báo chí liên tục phản ánh tình trạng xét tuyển đại học (ĐH) bị rối rắm, thí sinh (TS) bật khóc vì không rút được hồ sơ; phụ huynh vật vã cùng con đi rút hồ sơ.
Thí sinh cần cân nhắc để có quyết định phù hợp

Trong những ngày qua, báo chí liên tục phản ánh tình trạng xét tuyển đại học (ĐH) bị rối rắm, thí sinh (TS) bật khóc vì không rút được hồ sơ; phụ huynh vật vã cùng con đi rút hồ sơ.

Vì tiếp nhận hàng ngàn hồ sơ xin rút nguyện vọng 1 sang nộp trường khác nên các trường ĐH ở TPHCM phải huy động nhiều lực lượng, hoạt động hết công suất để phục vụ TS. Nhiều trường hợp do mất giấy tờ phải tốn hàng giờ để lục tìm trong hàng ngàn bộ hồ sơ. Ngày 14-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (ảnh) đã có buổi giao lưu trực tuyến với TS và phụ huynh thông qua báo điện tử Dân trí về vấn đề này. Phóng viên Báo SGGP lược ghi nội dung đang được dư luận quan tâm.

Thí sinh cần cân nhắc để có quyết định phù hợp ảnh 1

* Thưa Bộ trưởng, xét tuyển ĐH năm nay rất nhiều bất cập. Việc học sinh nộp hồ sơ sau khi biết điểm, lo lắng, túc trực từng ngày để theo dõi thứ tự của mình, cuộc đua nộp - rút hồ sơ như vậy đang gây ra một cuộc cạnh tranh mang tính ăn thua, giống như chơi chứng khoán. Việc tuyển sinh như vậy dường như đang làm học sinh bị quay cuồng trong vấn đề chọn trường, dẫn đến tình trạng không đậu trường này thì TS chuyển sang trường khác, có thể không đúng với đam mê của các em. Năm sau, Bộ GD-ĐT cần để TS đăng ký nguyện vọng 1 trước khi thi giống như cách tuyển sinh cũ để tuyển được người có đam mê ngay từ ban đầu?

* Bộ trưởng PHẠM VŨ LUẬN: Cái chúng ta muốn là giảm thiểu tình trạng người có điểm cao vẫn trượt ĐH, nhưng người có điểm thấp lại đậu như những năm trước đây. Năm nay, việc cung cấp thông tin xét tuyển của các trường công khai, cập nhật liên tục để học sinh, phụ huynh có thông tin và phán đoán được khả năng trúng tuyển để giữ nguyên hoặc thay đổi nguyện vọng đăng ký. Việc này giúp phụ huynh và TS có nhiều cơ hội lựa chọn, do vậy vất vả hơn năm trước.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Bộ GD-ĐT tạo mọi điều kiện tối đa cho các cháu, đồng thời để rộng cửa cho các cháu có quyền quyết định sử dụng cơ hội đó hay không. TS có thể không sử dụng các cơ hội hỗ trợ nói trên, chỉ đăng ký xét tuyển vào 1 trường và chờ công bố kết quả như những năm trước, tùy vào quyền lựa chọn của TS. Bộ GD-ĐT khuyến khích TS cân nhắc thông tin, tận dụng cơ hội để có quyết định phù hợp với nguyện vọng, đam mê của mình. Còn để tận dụng lợi thế biết điểm mới đăng ký xét tuyển, TS sẽ phải vất vả hơn.

* Ủng hộ Bộ GD-DT trong việc gộp hai kỳ thi, nhưng việc xét tuyển như hiện nay thì quá dở. Nếu Bộ GD-ĐT áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) thì việc xét tuyển cực kỳ đơn giản và nhanh gọn. TS biết được kết quả ngay sau khi bộ vào hồ sơ và công bố điểm. Việc lập trình này không khó, bộ có nghĩ tới để áp dụng?

* Việc ứng dụng CNTT - truyền thông (ICT) trong GD-ĐT là xu hướng tất yếu và thực tế ngày càng được đẩy mạnh trong thực tiễn GD-ĐT của Việt Nam. Tuy nhiên, để áp dụng ICT thành công với hiệu quả cao, ngoài yếu tố con người thì kết cấu hạ tầng ICT rất quan trọng, có lúc đóng vai trò quyết định. Thực tế hiện nay, kết cấu hạ tầng ICT của các trường ĐH-CĐ Việt Nam không đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của tất cả các TS, phụ huynh trong cả nước, đặc biệt nếu các tác vụ này diễn ra trong cùng một thời điểm. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng miền khác nhau nên điều kiện tiếp cận với ICT còn hạn chế, chưa thể triển khai đồng loạt trên toàn hệ thống.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH-CĐ có đủ điều kiện triển khai hình thức đăng ký trực tuyến qua mạng, đã có nhiều trường sử dụng hình thức này. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, việc ứng dụng ICT trong tuyển sinh sẽ ngày một sâu rộng hơn, hướng tới có thể tin học hóa hầu hết các khâu trong quá trình tuyển sinh.

* Đề nghị Bộ trưởng cho biết cách xét tuyển ĐH năm 2015 ảnh hưởng như thế nào đến học sinh khu vực nông thôn, miền núi, khu vực xa xôi hẻo lánh rất thiếu cơ sở hạ tầng CNTT?

* Để giúp học sinh ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện hạ tầng kỹ thuật, CNTT còn hạn chế, bộ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, chỉ đạo các sở GD-ĐT, trường THPT cập nhật thông tin tuyển sinh phổ biến tới TS. Các cơ quan báo chí liên tục cập nhật các thông tin xét tuyển; tạo điều kiện cho TS thay đổi nguyện vọng ngay tại địa phương...

* Với tình trạng hiện nay, nếu năm tới nhiều trường tổ chức tuyển sinh riêng và không còn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển thì lúc đó mục đích của kỳ thi này theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là không còn. Bộ trưởng suy nghĩ gì về điều này?

Theo luật, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH-CĐ. Bộ GD-ĐT khuyến khích, hỗ trợ các trường triển khai phương thức tuyển sinh riêng. Hiện nay, do điều kiện thực tế của các trường ĐH Việt Nam, không ít trường chưa đủ điều kiện, chưa đủ khả năng để tổ chức kỳ thi riêng. Kinh nghiệm tuyển sinh của các nước phát triển là việc thi tuyển sinh được tổ chức ở các trung tâm khảo thí độc lập, các trường ĐH dùng kết quả thi này để xét tuyển. Phương thức tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT áp dụng hiện nay đang đi theo hướng đó. Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 29.

LÂM NGUYÊN (ghi)

Tin cùng chuyên mục