Thi tốt nghiệp THPT: Đặt an toàn lên hàng đầu

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã và đang được các địa phương triển khai chủ động, kỹ lưỡng, theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. 
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Trường Tiểu học Trần Nguyên Hãn, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Trường Tiểu học Trần Nguyên Hãn, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Địa phương tổ chức thi 1 đợt hoặc 2 đợt tùy tình hình 

Hà Nội có 101.326 thí sinh đăng ký dự thi năm nay. Toàn thành phố có 4.235 phòng thi chính thức và 376 phòng thi dự phòng tại 188 điểm thi trên địa bàn 30 quận huyện, thị xã. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập 15 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi và công tác phòng chống dịch Covid-19.

Liên sở Y tế và GD-ĐT lên kịch bản cho công tác diễn tập tại 100% các điểm thi; thực hiện khử khuẩn theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế; ưu tiên tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho bộ phận in sao đề thi, cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi. Sở GD-ĐT Hà Nội đang tiếp tục đôn đốc các nhà trường cập nhật đầy đủ tình hình thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không thể dự thi vào các ngày 7, 8-7 và tham dự đợt thi thứ 2; gửi báo cáo số lượng thí sinh dự thi đợt thi thứ 2 về Bộ GD-ĐT trước ngày 5-7.

Năm nay, tỉnh Thái Bình có 22.946 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Toàn tỉnh tổ chức 35 điểm thi với 983 phòng thi chính thức, 81 phòng chờ; 35 phòng thi dự phòng và 8 điểm thi dự phòng...

Thái Bình đã lựa chọn phân công hơn 2.900 cán bộ, giáo viên, nhân viên các ngành giáo dục, y tế, công an tham gia các khâu của kỳ thi. Tất cả thành viên tham gia tổ chức kỳ thi được tiêm vaccine Covid-19. Lực lượng tham gia làm phách bài thi tự luận được xét nghiệm nhanh.

Tại mỗi điểm thi bố trí 1-2 phòng thi dự phòng để sử dụng cho tình huống bất thường như thí sinh có biểu hiện ho, sốt, hoặc phát sinh F1, F2. Mỗi huyện thành phố trong toàn tỉnh bố trí 1 điểm thi dự phòng. Đến hết ngày 1-7, Thái Bình có 2 thí sinh diện F1, 21 thí sinh diện F2, 64 thí sinh ở khu vực phong tỏa và cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 (đã xét nghiệm 2 lần âm tính với Covid-19). Nếu thí sinh xét nghiệm âm tính lần 3 và trên địa bàn không có ca mắc mới, Thái Bình sẽ xem xét phương án thi cho các thí sinh trên và báo cáo Bộ GD-ĐT chậm nhất vào ngày 5-7.

Ngày 3-7, tại 23/26 điểm thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Phú Yên, các thí sinh đều được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 chuẩn bị bước vào kỳ thi. Ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên, cho biết, tỉnh xét nghiệm đồng loạt cho gần 10.500 thí sinh và hơn 1.800 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi từ ngày 2 đến 4-7. 

Tại Thừa Thiên - Huế, hơn 2.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên được Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế điều động làm nhiệm vụ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được xét nghiệm Covid-19 bằng PCR. Trong khi đó, 100% cán bộ, giảng viên của Đại học Huế tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo Kỳ thi THPT năm 2021 đều được tiêm vaccine Covid-19...

Năm nay, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là TPHCM, quan điểm của Chính phủ, Bộ GD-ĐT là đảm bảo an toàn phải đặt lên hàng đầu. An toàn không chỉ đơn thuần là phòng chống dịch bệnh mà còn đảm bảo an toàn về sức khỏe, vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông và an toàn trong những tình huống mưa bão, lũ lụt…

Việc tổ chức kỳ thi 1 đợt, hay 2 đợt sẽ do địa phương quyết định dựa trên tình hình thực tế và có tham vấn của ngành y tế. Từ nay đến khi kỳ thi diễn ra, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát lại kế hoạch tổ chức kỳ thi, đảm bảo nguồn lực và các điều kiện cần thiết trong coi thi, chấm thi. Đặc biệt, cần xây dựng phương án với nhiều kịch bản khác nhau nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh; bình tĩnh xử lý khi có tình huống đột xuất xảy ra.  

TPHCM: 95,26% thí sinh lấy mẫu xét nghiệm trong ngày 3-7

Tối 3-7, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, qua thống kê, tỷ lệ thí sinh tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại các điểm lấy mẫu trong ngày 3-7 là 95,26%. Riêng đối với nhân sự coi thi, tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm trong ngày 3-7 là 92,57%. Tỷ lệ nói trên cho thấy quyết tâm đi thi của thí sinh TPHCM. Trong số các thí sinh còn lại chưa tham gia lấy mẫu, có số lượng lớn thí sinh ở các khu vực phong tỏa hoặc thực hiện cách ly theo quy định của cơ quan y tế trên địa bàn TPHCM và thí sinh cư trú ở các tỉnh thành khác.

Theo báo cáo nhanh của các đơn vị, hầu hết thí sinh ở tỉnh thành khác sẽ chủ động lấy mẫu xét nghiệm tại nơi cư trú. Những thí sinh này có thể mang theo giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính do HCDC hoặc CDC các tỉnh thành khác cấp để được tham gia đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM. 

Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ coi thi, tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm đạt hơn 90% do một số người sử dụng kết quả xét nghiệm cá nhân trong thời gian được quy định (từ ngày 3 đến ngày 6-7). 

Thi tốt nghiệp THPT: Đặt an toàn lên hàng đầu ảnh 1 Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 thí sinh, giám thị tại điểm thi ở Trường THCS Lý Phong, quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong hôm nay 4-7, TPHCM tổ chức một điểm lấy mẫu xét nghiệm đối với cán bộ, nhân viên điện lực hỗ trợ kỳ thi. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, mỗi điểm thi sẽ có 1-2 cán bộ, nhân viên điện lực trực máy phát điện, chỉ những cá nhân có kết quả xét nghiệm âm tính mới được phục vụ kỳ thi. 

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm nay, TPHCM có 89.275 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, được bố trí tại 155 điểm thi với 4.134 phòng thi. Tổng số lãnh đạo, cán bộ và nhân viên tham gia coi thi là 17.052 người. Riêng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên chấm thi là 1.710 người; cán bộ và giáo viên, nhân viên chấm phúc khảo là 1.000 người.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên địa bàn TPHCM sẽ được tổ chức 2 đợt. Đợt 1 diễn ra trong 3 ngày 6, 7 và 8-7 dành cho thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa hoặc thực hiện cách ly, thí sinh không thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế và có kết quả xét nghiệm âm tính. Đợt 2 (thời gian cụ thể chưa được Bộ GD-ĐT công bố) dành cho những thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không thể dự thi vào các ngày 6, 7 và 8-7 và có đăng ký thi đợt 2.

Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo kỳ thi cấp thành phố, toàn bộ 155 điểm thi đều xây dựng các phương án tổ chức kỳ thi an toàn, phù hợp với đặc điểm thực tế tại đơn vị. Các điểm thi được khử khuẩn, vệ sinh trước ngày thi một ngày và sau mỗi buổi thi. Mỗi điểm bố trí 2 phòng thi dự phòng, có nhân viên y tế trực để kịp thời xử lý các trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe.

Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các điểm thi không tổ chức khai mạc tập trung ở sân trường; thí sinh được hướng dẫn quy chế và kiểm tra thông tin tại phòng thi. Thí sinh khi đến điểm thi sẽ được phân luồng đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đảm bảo quy định về giãn cách. Mỗi phòng thi bố trí tối đa không quá 24 thí sinh, không sử dụng điều hòa và đảm bảo thông thoáng.

Về xét tuyển đại học, Bộ GD-ĐT sẽ có phương án đảm bảo quyền lợi cho thí sinh ở cả 2 đợt thi, dự kiến xét tuyển 1 lần cho cả 2 đợt thi tốt nghiệp; thí sinh thi đợt 1 và đợt 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, đảm bảo quyền lợi và sự công bằng đối với thí sinh. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn khiến cho khoảng cách thi đợt 2 với đợt 1 quá xa, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn trong công tác tuyển sinh, đảm bảo quyền lợi của thí sinh, an toàn phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh.

Tin cùng chuyên mục