Thị trường bất động sản TPHCM cần chính sách đặc thù để phát triển

Ngày 10-9, Sở Xây dựng TPHCM tổ chức tọa đàm “Các  yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bất động sản (BĐS)” nhằm lấy ý kiến xây dựng Đề án Phát triển thị trường BĐS TPHCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030 theo chỉ đạo của UBND TP.

Ngày 10-9, Sở Xây dựng TPHCM tổ chức tọa đàm “Các  yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bất động sản (BĐS)” nhằm lấy ý kiến xây dựng Đề án Phát triển thị trường BĐS TPHCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030 theo chỉ đạo của UBND TP.

Theo TS Phạm Thái Sơn, Trường Đại học Việt Đức, thị trường BĐS TPHCM có nhiều thuận lợi và tiềm năng để phát triển trong thời gian tới. Cụ thể như, kinh tế phát triển, mức sống, thu nhập của người dân ngày càng cao kéo theo nhu cầu về mua nhà tăng lên; nhiều chính sách liên quan đến BĐS đã có hiệu lực thi hành; lãi suất cho vay đã ở mức tương đối hợp lý; nhiều dự án hạ tầng được triển khai tạo điều kiện cho các dự án BĐS phát triển; nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS liên tục tăng trong thời gian qua… Tuy nhiên, bên cạnh đó BĐS TPHCM cũng phải đối mặt nhiều khó khăn như dân đông và dân số cơ học phát triển nhanh sẽ là thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Hạ tầng tuy có phát triển nhưng vẫn chưa đồng bộ, các công trình công ích chưa phát triển kịp với sự phát triển của các khu dân cư…

Góp ý tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng cần phải nhận diện đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường BĐS, qua đó xác định thực trạng, dự báo được xu hướng phát triển thị trường BĐS của thành phố để có những giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn phát triển nhằm xây dựng một thị trường BĐS minh bạch, lành mạnh và bền vững. Trong đó, cần nhấn mạnh một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường nhiều nhất là chính sách pháp luật liên quan đến BĐS. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, các chính sách liên quan đến bồi thường và tiền sử dụng đất hiện còn nhiều bất cập và gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường BĐS. Ông Châu dẫn chứng, trong khoảng 1.500 dự án đang thực hiện thì có trên 600 dự án ngừng triển khai, trong đó chủ yếu là do không thỏa thuận được giá bồi thường với người dân vì theo quy định hiện hành, DN phải thỏa thuận giá bồi thường cho người dân đến mét vuông đất cuối cùng. Ngoài ra, Nghị định 69 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất sát với giá thị trường chẳng khác nào bắt DN mua đất 2 lần (một lần đền bù cho người dân theo giá thị trường và đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường - PV), gây khó khăn cho DN và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường BĐS.

Từ những phân tích trên, nhiều đại biểu đề nghị cần có các chính sách phù hợp hơn, đặc biệt là những chính sách đặc thù cho một đô thị đặc biệt như TPHCM, để thị trường BĐS hướng đến sự bền vững, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, thành phố cũng cần ưu tiên các chính sách, cơ chế, giải pháp để phát triển các dự án căn hộ chung cư cho thuê, đáp ứng cho đại bộ phận người dân lao động của thành phố trong những năm tới.

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục