Năm thứ ba liên tiếp, các công ty cao su trong nước “gặp hạn” do thị trường xuất khẩu “đỏng đảnh” và nguồn cung vượt cầu ở mức cao.
Bế tắc thị trường
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), tính đến hết tháng 2-2014, Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 100.000 tấn, đạt gần 220 triệu USD, giảm 23,2% về lượng, 42,0% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Trung Quốc và Malaysia là hai thị trường chính tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước nhiều năm qua, song vào đầu năm nay lại giảm lượng mua vào càng khiến giá cao su thiên nhiên xuất khẩu các loại rớt mạnh. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41.657 tấn, giảm 40,7% và sang Malaysia đạt 16.985 tấn, giảm 28,6%, còn sang Ấn Độ đạt 6.422 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện giá cao su xuất khẩu chỉ dao động quanh mức 2.000 USD/tấn, giảm hơn 300 USD so với mức trung bình của năm 2012 và hơn 800 USD so với năm 2011. Tính riêng năm 2013, Việt Nam xuất gần 1,1 triệu tấn cao su, giá trị tương đương 2,52 tỷ USD, tăng hơn 5% về khối lượng nhưng lại giảm gần 12% về giá trị so với năm trước đó.
Giá cao su xuất khẩu đang trên đà giảm hoàn toàn trái ngược với dự báo của VRA trước đó, khi đánh giá năm 2014, giá cao su trên thị trường sẽ dao động trong khoảng 2.500 - 2.700 USD/tấn và ổn định trong cả năm ở mức trên dưới 2.500 USD, tương đương khoảng 52 triệu đồng/tấn. Hiện giá cao su các loại tại các tỉnh Đông Nam bộ dao động ở mức từ 36.300 - 39.800 đồng/kg, giảm 1.200 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tháng.
Trong khi đó, theo đánh giá của Hãng tư vấn hàng hóa RCMA Commodities Asia Pte., trong năm 2014, thị trường cao su trên toàn cầu có khả năng sẽ dư thừa khoảng 353 ngàn tấn. Đánh dấu năm thứ ba liên tiếp thị trường cao su rơi vào tình trạng dư cung với lượng dự trữ có thể tăng thêm 16%, lên mức cao nhất từng được ghi nhận với 2,5 triệu tấn. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến tình trạng xuất khẩu cao su trong nước sụt giảm trong thời gian dài dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, các công ty cao su khu vực Tây Nguyên và miền Trung vẫn khá bế tắc về thị trường mới, do phụ thuộc nhiều vào thị trường biên mậu của Trung Quốc hoặc chủ yếu tiêu thụ nội địa và ủy thác xuất khẩu cho VRG.
Giá cao su trên thị trường biên mậu Móng Cái, Lào Cai liên tục giảm trong thời gian qua, dẫn đến giá cao su SVR 3L tại Móng Cái và Lào Cai thường thấp hơn giá sàn tại kho khoảng 500 ngàn đến 1 triệu đồng/tấn, chưa kể chi phí vận chuyển ra Móng Cái, Lào Cai.
“Hiện nay, Trung Quốc đang đóng cửa tiểu ngạch ở Móng Cái và phần lớn cao su Việt Nam phải xuất khẩu qua đường tiểu ngạch tại Lào Cai hay Hà Giang. Khi cao su tồn ít hay không tồn hàng tại Móng Cái, Lào Cai, thì Trung Quốc thường đẩy giá lên cao để kích thích doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng. Nhưng khi hàng tập kết khá nhiều thì giá sẽ giảm mạnh, gây rủi ro cho doanh nghiệp rất lớn”, một cán bộ VRG phân tích.
Trước thực trạng trên và để giảm thiểu rủi ro về giá và tồn kho lâu tại biên giới, Tổng Giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận đã yêu cầu các công ty cao su Tây Nguyên và miền Trung chỉ nên đưa hàng ra và tập trung ở Hải Phòng khi đã có khách hàng Trung Quốc đặt hàng và khi điều kiện thuận lợi nên bán ngay.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các đơn vị ở những khu vực này trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng tiêu thụ cao su dài hạn, ổn định, giảm dần phụ thuộc thị trường biên mậu của Trung Quốc.
Xây dựng kịch bản linh hoạt
Theo Chủ tịch HĐTV VRG Võ Sỹ Lực, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, các đơn vị cao su càng phải quyết liệt nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là các đơn vị Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Bởi nhìn vào thực tế, chỉ khi nào các công ty cao su xây dựng được thương hiệu mới ký được hợp đồng dài hạn. Về cơ cấu sản phẩm, các đơn vị nên đẩy mạnh sản xuất SVR 20 để mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm chủ lực của VRG hiện nay là SVR 3L, nhưng lại thiếu SVR 20 thị trường tiêu thụ đang cần.
Ngoài ra, cần có chiến lược sản phẩm và thị trường trong ngắn hạn. Mỗi công ty có ưu thế sản xuất một số chủng loại chính phù hợp với năng lực công ty. Tùy tình hình thị trường đang cần chủng loại cao su nào, linh hoạt sản xuất để có thể tiêu thụ nhanh với giá tốt và chuẩn bị chiến lược trong dài hạn.
Trong khi đó, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cho biết, với tình hình hiện nay, các đơn vị cần lập kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng xây dựng trên cơ sở giá 50 triệu đồng/tấn và xây dựng với giá 45 triệu đồng/tấn, áp dụng từ tháng 1 đến tháng 6-2014, sau đó nếu giá tốt hơn thì dịch chuyển qua 50 triệu đồng/tấn để đảm bảo tiền lương, giá thành.
Theo dự báo của VRA, nguồn cung cao su sẽ lớn hơn trong vài năm tới. Do đó, các công ty đặc biệt khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung cần phải chủ động tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ mới ngoài thị trường biên mậu và nội tiêu.
Bởi trên thực tế, các công ty có chiến lược thị trường tốt như lượng khách hàng đa dạng, thiết lập quan hệ song phương tốt, đáp ứng yêu cầu về chất lượng của khách hàng thì sẽ không gặp nhiều khó khăn khi tình hình thị trường đi xuống và tiêu thụ khó khăn. Song song đó, các công ty cần phải kiểm tra sản phẩm và cấp chứng chỉ kiểm phẩm cho tất cả các chủng loại cao su, để có thể chào bán và tiêu thụ hàng hóa của mình vào các thị trường khác ngoài biên mậu.
LẠC PHONG