Theo một số chuyên gia và nhà đầu tư (NĐT), nếu bổ sung giá chứng khoán vào rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), kết quả kiềm chế lạm phát năm nay sẽ rất thành công. Bởi thị trường chứng khoán (TTCK) từ đầu năm đến nay không có sự bứt phá nào đáng chú ý. Xu hướng chủ đạo vẫn đi ngang và giảm điểm. Vì sao TTCK không còn hấp dẫn các NĐT như trước đây và xu hướng của TTCK cuối năm sẽ ra sao?
Viễn cảnh buồn!
Mặc TTCK thế giới tăng điểm nhưng trong nước tuần qua vẫn kết thúc với không khí buồn tẻ. VN-Index và HNX-Index lần lượt lùi về 458,39 và 119,69 điểm. Thanh khoản cả 2 sàn đều đi xuống. Tại TPHCM, khối lượng cổ phiếu trung bình được chuyển nhượng giảm trên 30% cả khối lượng lẫn giá trị giao dịch. Tại sàn Hà Nội, khối lượng và giá trị giao dịch cũng giảm gần 40% so với tuần trước.
TTCK từ đầu năm đến nay không có sự bứt phá nào đáng chú ý. Xu hướng chủ đạo vẫn là đi ngang và giảm điểm. Mở màn phiên giao dịch đầu năm chỉ số VN-Index đã tiếp đà đi lên của cuối năm 2009. Tuy nhiên chỉ số VN-Index chỉ đạt đỉnh vào ngày 7-1-2010 với 540 điểm là đuối sức, kết phiên VN-Index đóng cửa ở mức 533,34 điểm, giảm 1,12 điểm. Những ngày sau đó, chỉ số VN-Index liên tục tụt dốc thậm chí xuống dưới mức 480 điểm và giao dịch quanh biên độ 480 - 500 điểm trong vòng 3 tháng liên tiếp. Ngày 3-4-2010, chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 510 điểm và đi lên chạm ngưỡng kháng cự 538 điểm, sau đó tiếp tục tụt dốc và đi ngang ở ngưỡng 510 - 520 điểm. Đỉnh cao của chỉ số VN-Index đạt 550 điểm vào ngày 6-5-2010 sau đó quay đầu giảm điểm xuống 421,3 điểm vào ngày 25-8-2010.
Trong tháng 9, tình hình giao dịch trên thị trường có vẻ khả quan hơn và chỉ số VN-Index đã tăng trước sự ngỡ ngàng của các NĐT khi từ 421,3 điểm vượt lên 470 điểm trong vòng 7 ngày giao dịch. Tuy nhiên đà tăng đã bị hãm lại những phiên sau đó, chỉ số VN-Index giao dịch quanh mốc 450 điểm. Kết thúc phiên giao dịch tháng 9-2010, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc 454,52 điểm, tăng 0,34%, khối lượng giao dịch (KLGD) đạt 40,6 điểm ứng với giá trị giao dịch đạt 1.208 tỷ đồng. Trong khi đó ở sàn HNX, kết phiên chỉ số giảm nhẹ 0,2 điểm (0,09%), đóng cửa ở mức 127,29 điểm. Khối lượng giao dịch sụt giảm đáng kể chỉ đạt 22,3 triệu cổ phiếu, ứng với giá trị giao dịch 525 tỷ VND. Như vậy so với phiên giao dịch đầu năm 2010, chỉ số VN-Index giảm 63 điểm, ứng với 12%. KLGD giảm 11%, tương tự tại sàn HNX, chỉ số HNX cũng giảm 52 điểm, ứng với 29%, KLGD giảm 15%.
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, nguyên nhân thị trường giảm điểm trong 10 tháng qua là do lượng cổ phiếu mới tung ra trên thị trường quá lớn. Đồng thời ảnh hưởng của Thông tư 13/2010/TT-NHNN ban hành 20-5-2010 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Ngày 27-9-2010, NHNN đã bổ sung Thông tư 19/2010/TT-NHNN nhằm sửa đổi một số điều luật. Tuy nhiên TTCK vẫn không phản ứng mạnh bởi thông tin trên.
Bên cạnh đó, giá vàng trong nước và quốc tế liên tục tăng (gần 7 triệu đồng/lượng) kể từ đầu năm đến nay đã hút bớt một nguồn vốn không nhỏ vào thị trường này. Điều này khiến TTCK mất hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Nhiều NĐT đã phản ứng bằng cách bán cổ phiếu, chuyển vốn sang vàng nhằm bảo toàn vốn.
Kỳ vọng trước những khó khăn?
Ngày 17-8-2010, Ngân hàng Nhà nước có công văn điều chỉnh tỷ giá USD áp dụng cho ngày 18-8-2010, từ mức 18.544 đồng/USD lên mức 18.932 đồng/USD. Việc tăng tỷ giá lần này, góp phần kiềm chế nhập siêu, kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp GDP tăng trưởng. Đây là một trong những động lực giúp TTCK những tháng cuối năm đi lên. Hơn nữa xét về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang giao dịch trong biên độ hẹp 440 - 450 nên có khả năng đi lên ngắn hạn trong tháng 10.
Tuy nhiên trong khoảng thời gian 3 tháng còn lại cuối năm TTCK phải đối mặt với nhiều khó khăn, nên việc tăng điểm bứt phá đến cuối năm sẽ khó xảy ra ngoại trừ có sự thay đổi mạnh chính sách vĩ mô.
Mặc dù Thông tư 19 đã giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng đến doanh nghiệp. Tuy nhiên với TTCK, các quy định của thông tư vẫn không tháo gỡ, khơi thông dòng vốn chảy vào TTCK. Ngoài ra, theo ước tính, hiện có hơn 1,4 tỷ cổ phiếu đang chờ niêm yết trên HOSE và HNX, lượng cung trên thị trường quá lớn trong khi lượng tiền vào TTCK bị hạn chế nên khả năng TTCK bứt phá trong 3 tháng cuối năm là rất khó khăn.
Ngoài những yếu tố khách quan, TTCK cuối năm có khởi sắc trở lại hay không phần lớn phụ thuộc vào động thái của các NĐT trong nước. Bởi vì nếu không thấy được những tín hiệu khả quan của nền kinh tế nói chung và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước nói riêng, các NĐT nước ngoài đã không mua ròng về khối lượng lẫn giá trị trên 2 sàn để tạo thành bệ đỡ tâm lý cho thị trường trong nhiều tháng qua.
Kết nối từ những dữ liệu nêu trên, các chuyên viên chứng khoán vẫn tin rằng tâm lý thị trường sẽ được cải thiện khi các doanh nghiệp đang hướng đến quý 4 khi các doanh nghiệp ngành bất động sản, xây dựng… sẽ hạch toán lợi nhuận vào cuối năm, đồng thời TTCK thế giới tăng điểm cũng sẽ là lực hỗ trợ. Chính vì thế, TTCK trong nước khó có thể giảm điểm sâu hơn.
Lê Na - Hoàng Thương