Thị trường di động Việt Nam - Sẽ hết ảo và rác?

Mạng ảo “chết non”!
Thị trường di động Việt Nam - Sẽ hết ảo và rác?

Đến thời điểm này, khả năng tham gia thị trường của các mạng di động ảo đã gần như không còn. Các doanh nghiệp xin giấy phép mạng di động ảo đã “án binh bất động” trong những năm qua và các giấy phép này có thể sắp bị thu hồi. Trong khi đó, Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) cũng đang hạ quyết tâm dẹp nạn “số ảo và SIM rác”...

Một cửa hàng bán thẻ sim ở Hà Nội. Ảnh: T.B.

Một cửa hàng bán thẻ sim ở Hà Nội. Ảnh: T.B.

Mạng ảo “chết non”!

Ngày 19-8-2009, Bộ TT-TT đã chính thức trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động ảo cho Công ty Đông Dương Telecom. Mạng di động này sẽ sử dụng hạ tầng của Viettel để cung cấp dịch vụ di động cho khách hàng theo mô hình mạng di động ảo đầu tiên của Việt Nam. Đông Dương Telecom không được cấp tần số mà được chia sẻ hạ tầng vô tuyến 3G với Viettel và được roaming với các mạng GSM (2G và 2,5G) khác. Đây là mô hình mạng di động dùng chung tài nguyên tần số đầu tiên được phép triển khai tại Việt Nam theo hình thức bán lại dịch vụ.

Đến ngày 22-6-2010, Bộ TT-TT đã tổ chức lễ cấp phép mạng di động ảo cho VTC. Theo giấy phép, VTC sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom và roaming với các mạng 2G trong nước. Thời điểm đó, VTC Digicom (công ty con của VTC) cho biết, VTC sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom. Ngay tại buổi cấp phép, VTC dự kiến sẽ chính thức cung cấp dịch vụ thông tin di động ảo vào cuối năm 2010 trên phạm vi toàn quốc với đầu số 11 số.

Tuy nhiên, cả Đông Dương Telecom lẫn VTC sau nhiều lần hứa hẹn, đến nay vẫn chưa thể cung cấp được dịch vụ như đã cam kết khi xin giấy phép. Hiện nay, “mạng thật” EVN Telecom đã thuộc về Viettel và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường khiến cho VTC không còn quyết tâm thực hiện. Điều đó coi như chấm dứt giấc mộng “di động ảo” của VTC.

Mặc dù đã rất nhiều lần bày tỏ quyết tâm nhưng đến thời điểm hiện tại Đông Dương Telecom cũng chưa có bất cứ động thái nào chứng tỏ họ sắp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo. Các chuyên gia cho rằng, với sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay của thị trường, Đông Dương Telecom gần như chắc chắn sẽ không thể nhập cuộc với giấy phép mạng di động ảo khi mà 3 “mạng thật” Viettel, VinaPhone và MobiFone đã chiếm khoảng 95% thị phần.

Trong điều kiện khó khăn trong đầu tư vào viễn thông di động hiện nay, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp ôm hàng loạt giấy phép nhưng “án binh bất động”. Theo Luật Viễn thông, nếu doanh nghiệp được cấp giấy phép nhưng sau 2 năm không triển khai sẽ bị thu hồi giấy phép. Khi đó, doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin phép mới. Mới đây, Bộ TT-TT đã có văn bản gửi các doanh nghiệp được cấp phép cung cấp mạng di động ảo yêu cầu báo cáo tiến độ triển khai.

Năm ngoái, Bộ TT-TT đã có thông báo thu hồi giấy phép này của các doanh nghiệp, thế nhưng các doanh nghiệp đã có văn bản giải trình sở dĩ chưa cung cấp dịch vụ được vì đang có một số trục trặc và họ cam kết sẽ cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm này các doanh nghiệp vẫn chưa triển khai nên Bộ TT-TT đã ra tối hậu thư, nếu doanh nghiệp không triển khai mạng di động ảo thì sẽ thu hồi giấy phép.

Mạnh tay dẹp SIM rác

Tin từ Bộ TT-TT, nhằm hạn chế tình trạng sử dụng SIM rác, số ảo; mua SIM mới (có tiền sẵn trong tài khoản) thay cho nạp thẻ tài khoản, sắp tới, bộ sẽ ban hành thông tư về giá cước thông tin di động, quản lý hàng hóa chuyên dụng thông tin di động, trong đó sẽ quy định SIM thuê bao mới sẽ không có tiền trong tài khoản và nhà mạng không được nạp sẵn tiền vào tài khoản đối với tất cả các SIM chưa hòa mạng.

Theo đó, Bộ TT-TT không đặt ra các giá cước SIM mới mà chỉ bóc tách, quy định cụ thể giá cước hòa mạng cho dịch vụ trả trước là 25.000 đồng và trả sau là 35.000 đồng do bộ quy định với mức giá SIM trắng sẽ do các mạng di động quy định. Căn cứ vào giá cước hòa mạng của Bộ TT-TT đưa ra, doanh nghiệp di động sẽ ban hành các mức giá bộ SIM kit của mình. Khi đó, người dùng mua SIM mới, sau khi hòa mạng, phải nạp tiền mới sử dụng được các dịch vụ.

Theo các chuyên gia, điều này sẽ giảm được rất nhiều tình trạng người dùng mua SIM mới có sẵn tiền trong tài khoản để dùng dịch vụ, thay cho việc nạp thẻ; từ đó giảm bớt tình trạng SIM rác, thuê bao ảo.

Mới đây, Cục Viễn thông cho biết vừa kiểm tra thông tin thuê bao di động ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Kết quả phát hiện ra rất nhiều thuê bao trả trước có thông tin không chính xác. Nếu đúng theo tinh thần của Thông tư 04 về quản lý thuê bao di động trả trước, các thuê bao này sẽ bị chấm dứt hoàn toàn hoạt động nhưng do châm chước cho doanh nghiệp trong việc phát triển thuê bao, Cục Viễn thông đề xuất trước mắt chỉ tạm cắt 1 chiều. Các thuê bao muốn sử dụng lại dịch vụ phải làm thủ tục đăng ký lại thông tin thuê bao một cách đầy đủ theo quy định.

Hiện nay Cục Viễn thông đang yêu cầu các nhà mạng có số thuê bao đăng ký sai thông tin phải phối hợp với hệ thống đại lý, cửa hàng đăng ký lại cho khách hàng. Nếu khách hàng không đăng ký lại, bắt buộc phải cắt dịch vụ.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, trong tháng 9 vừa qua, tại TPHCM, trong tổng số 5,1 triệu thuê bao được chuyển sang Bộ Công an để đối soát có 3 triệu thuê bao không có trong cơ sở dữ liệu của Bộ Công an. Như vậy, chỉ có hơn 2 triệu thuê bao được đối soát, trong đó có nhiều thuê bao đăng ký thông tin không chính xác.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục