Thị trường điện cạnh tranh chưa minh bạch

Ưu ái “người nhà”
Thị trường điện cạnh tranh chưa minh bạch

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, dù đã đạt được các mục tiêu cơ bản, song thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) cũng bộc lộ một số khiếm khuyết. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm giữ hầu hết các khâu chủ chốt trong quá trình hoạt động của VCGM khiến việc cạnh tranh mua bán chưa thể minh bạch.

Thực hiện giá điện cạnh tranh giúp người tiêu dùng mua điện giá hợp lý. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Thực hiện giá điện cạnh tranh giúp người tiêu dùng mua điện giá hợp lý. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Ưu ái “người nhà”

Bản chất cũng như nguyên tắc của VCGM là nhằm mục tiêu giảm dần sự độc quyền doanh nghiệp của EVN, tiến tới minh bạch hóa mọi hoạt động của ngành điện, từng bước đưa giá điện tuân theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động chính thức đã có doanh nghiệp nộp đơn tố cáo EVN ưu ái “người nhà”, đối xử không công bằng trong quá trình mua bán.

Cụ thể, Bộ Công thương xác nhận, vừa qua một công ty thủy điện tư nhân phía Bắc đã gửi đơn khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh tố cáo một công ty điện lực thuộc EVN có dấu hiệu lạm dụng vị thế độc quyền. Trong đó, nêu rõ việc Công ty Mua bán điện quốc gia có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh khi mua điện của các công ty phát điện trực thuộc EVN, thay vì mua điện của một số công ty phát điện tư nhân khi tất cả cùng nhau tham gia chào giá trên thị trường. Công ty Mua bán điện quốc gia là công ty mua buôn duy nhất nên đã lợi dụng vị trí độc quyền, mang lại lợi ích cho các công ty bán điện của EVN và loại các nhà máy phát điện nhỏ ra khỏi thị trường cạnh tranh bằng cách không mua điện được chào bán. Sau khi doanh nghiệp này khơi mào, các doanh nghiệp sản xuất điện có cùng số phận cũng đang làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Theo Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương Đinh Thế Phúc, về nguyên tắc các đơn vị tham gia chào giá trực tiếp từng giờ và được cập nhật công khai. Tuy nhiên, việc quyết định mua điện của doanh nghiệp nào trên thị trường do Công ty Mua bán điện quốc gia quyết định. Các doanh nghiệp thường đua nhau chào giá trên thị trường vào giờ cao điểm vì đây là thời điểm chốt được mức giá cao hơn nhiều so với giờ thấp điểm. Hoặc mùa mưa, các nhà máy thủy điện nhỏ thi nhau chào giá trên thị trường nhiều khi dẫn đến tình trạng quá tải, mất ổn định lưới truyền tải. Vì lý do này, điều độ hệ thống vẫn phải huy động nguồn của các nhà máy có giá chào cao. Trong khi đó, chủ đầu tư nhà máy điện bên ngoài EVN cho rằng, lý giải của Cục Điều tiết không thuyết phục. Bởi thực tế, hiện nay vẫn chưa có thị trường điện cạnh tranh đích thực, khi đơn vị phát điện lớn nhất là Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) do EVN nắm 100% vốn, Công ty Truyền tải điện, Công ty Mua bán điện đều là công ty con của EVN. “Như vậy, thị trường điện cạnh tranh vẫn chủ yếu là của EVN vừa phát điện vừa truyền dẫn và phân phối. Trên thực tế, các nhà máy điện bên ngoài EVN rất khó chen chân bán điện vào giờ thấp điểm từ 22 giờ - 5 giờ. Vào giờ cao điểm, EVN có thể mua điện từ tất cả các nguồn, nhưng vào giờ thấp điểm lại ưu tiên cho các nguồn của EVN khiến các nguồn khác rất khó có thể cạnh tranh được”, đại diện một chủ đầu tư ngành điện tư nhân phía Nam phân tích.

Nhanh chóng xóa bỏ độc quyền

Theo kế hoạch, nếu mọi việc suôn sẻ, bắt đầu từ năm 2014 sẽ hoàn thành thị trường phát điện cạnh tranh. Giai đoạn 2015 - 2022 thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Sau năm 2022, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành điện, để có một thị trường phát điện cạnh tranh hoạt động thực sự minh bạch, điều quan trọng là phải có môi trường quản lý điều tiết ổn định, cơ sở hạ tầng truyền tải hoàn thiện; cơ quan điều tiết độc lập và phi lợi nhuận để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng điện. Trong khi hiện nay, cơ cấu ngành điện đang được tổ chức theo mô hình tích hợp dọc, gồm cả phát điện, truyền tải điện, phân phối, mua bán điện và điều hành hệ thống. Điều này không tạo ra môi trường minh bạch cho việc thu hút đầu tư vào nguồn điện mới.

Do đó, trước mắt Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu các giải pháp đẩy nhanh quá trình phát triển thị trường điện cạnh tranh. Khẩn trương xóa bỏ độc quyền trên cơ sở tái cơ cấu ngành điện. Trong đó, nhanh chóng đưa các tổng công ty phát điện (GENCO) độc lập với EVN; thành lập nhiều công ty mua bán điện cạnh tranh với nhau; đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) về Bộ Công thương quản lý. Bản thân EVN chỉ nên quản lý lĩnh vực phân phối và một số nhà máy phát điện có tính chiến lược đa mục tiêu để giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề xã hội. Khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh chính thức vận hành, việc bán điện sẽ thực hiện thẳng từ công ty mua bán điện sang công ty điện lực đến khách hàng. Mặt khác, cần tập trung vào khâu giám sát để tăng cường tính minh bạch cao nhất của thị trường điện. Ngoài sự giám sát của cơ quan chức năng, các nhà máy điện cũng có thể theo dõi hoạt động của thị trường điện thông qua các thông tin khác nhau để có phản hồi, kiến nghị kịp thời.

VCGM chính thức đi vào vận hành từ ngày 1-7-2012, đến nay đã có 37 nhà máy chào giá trực tiếp, chiếm gần 40% số lượng đơn vị phát điện cả nước. Trong đó, vai trò của các đơn vị tham gia VCGM gồm: 1. Các nhà máy thủy điện đa mục tiêu: Không tham gia thị trường điện, A0 có trách nhiệm công bố biểu đồ công suất phát. 2. Các nhà máy BOT: Không trực tiếp tham gia thị trường điện, đơn vị mua (Công ty mua bán điện) chào giá thay. 3. Các nhà máy điện có công suất lớn hơn 30MW: Trực tiếp tham gia thị trường điện, trước 10 giờ sáng hàng ngày chào giá bán cho ngày tiếp theo.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục