Thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam phát triển mạnh

Quy mô du lịch trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á tăng mạnh từ 22 tỷ USD vào năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025. Riêng tại Việt Nam, hình thức kinh doanh này đang tăng mạnh.
Khách hàng tham gia Ngày hội du lịch trực tuyến
Khách hàng tham gia Ngày hội du lịch trực tuyến

Ngày 5-7, tại TPHCM diễn ra “Ngày hội du lịch trực tuyến” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp cùng Tổng cục Du lịch, Cục Thương mại điện tử và Sở Du lịch TPHCM tổ chức.

Các chuyên gia nhận định, quy mô du lịch trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á tăng mạnh từ 22 tỷ USD vào năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025. Riêng tại Việt Nam, hình thức kinh doanh này đã và đang tăng rất mạnh.

Tại ngày hội du lịch, hàng loạt các chủ đề liên quan tới du lịch trực tuyến đã được trình bày, như: dự báo, nhận định về xu hướng phát triển du lịch trực tuyến, việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh…

Theo Tổng Cục du lịch, 6 tháng năm 2017 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy vậy, năm 2016 Việt Nam chỉ đứng thứ 5 trong số các nước ASEAN về số lượng khách quốc tế với hơn 10 triệu lượt và chỉ bằng 1/3 Thái Lan. VECOM cũng cho biết, doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 tăng 14%, ước đạt khoảng 565 tỷ USD.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó đặt ra mục tiêu tới năm 2020 du lịch cơ bản là ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút từ 17-20 triệu lượt khách quốc tế; 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp 10% GDP; tổng thu 35 tỷ USD với 20 tỷ USD xuất khẩu; tạo 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Dự tính, tới năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và đứng đầu trong các nước ASEAN. Để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, việc thúc đẩy tăng trưởng du lịch trực tuyến chính là những gì mà “Ngày hội du lịch trực tuyến” hướng đến.  

Đối với thị trường Việt Nam, mặc dù du lịch trực tuyến có thế mạnh lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nhanh nhạy, chủ động nắm bắt. Ông Vũ Quốc Trí, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho rằng: “Chính cuộc cách mạng công nghệ và mạng xã hội đã thúc đẩy du lịch trực tuyến phát triển. Nhiều chuyên gia kinh tế về du lịch trên thế giới đã nhiều lần khẳng định rằng doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt, khởi động kinh doanh trực tuyến ngay, không chần chừ nữa bởi con thuyền kinh doanh trực tuyến đã xuất bến rồi”. 

Tin cùng chuyên mục