Thị trường hàng hóa Tết: Sức mua bật tăng

Sức mua tại các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TPHCM những ngày này đang ấm dần lên. 
Chọn mua bánh mứt tết ở siêu thị. Ảnh: LẠC PHONG
Chọn mua bánh mứt tết ở siêu thị. Ảnh: LẠC PHONG

Giá cả ổn định, hàng hóa đa dạng

Trưa 26-1, tại cổng siêu thị Emart Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), nhiều nhóm gia đình thực hiện các bước khai báo y tế, khử khuẩn… trước khi vào siêu thị. Bên trong, hàng hóa Tết được bày trí khá bắt mắt… Anh Võ Văn Sang (ngụ quận Gò Vấp) cùng 2 con tranh thủ mua sắm ít đồ dùng cho những ngày Tết sắp tới. Anh cho hay: “Năm nay, hàng hóa Tết khá đa dạng, khuyến mãi lớn, không có cảnh chen lấn hay chờ đợi tính tiền lâu như trước đây. Có lẽ một phần vì nhiều người vẫn ngại đến nơi đông người vì sợ dịch”.

Đại diện siêu thị Emart Lê Hữu Tình cho biết: Doanh số tuần này tăng khoảng 15% so với tuần trước, chủ yếu ở các nhóm hàng nhu yếu phẩm. Số lượng giỏ quà Tết năm nay thiết kế ít lại, giảm gói giá trị cao, chủ yếu tập trung ở nhóm có giá 400.000-500.000 đồng. Emart đang có chương trình giảm giá mạnh từ đây đến ngày diễn ra chợ Tết và giữ giá ổn định, chỉ một số nhóm hàng nhập khẩu do chi phí vận chuyển cao nên giá tăng khoảng 10%.

Tương tự, tại siêu thị Aeon (quận Tân Phú), về chiều tối lượng khách hàng đổ về khá đông. Cùng chồng và hai con nhỏ dạo quanh những gian hàng tại đây, chị Nguyễn Thị Thu (ngụ quận Tân Phú) cho biết, hàng hóa năm nay khá phong phú. Đặc biệt, hầu hết mặt hàng vẫn đang ổn định, không tăng giá. “Tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp nhưng gia đình tôi vẫn yên tâm khi vào siêu thị mua sắm, hàng hóa chất lượng, không sợ hàng giả, hàng trôi nổi; có nhiều sản phẩm vừa túi tiền, thậm chí còn rẻ hơn bên ngoài”, chị Thu cho hay.

Đại diện Aeon Việt Nam Bùi Trung Chính cho biết, lượng khách hàng năm nay trên toàn quốc của hệ thống đang tăng mạnh. Aeon đảm bảo đầy đủ hàng hóa với giá cả ổn định, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm Tết gồm đồ tươi sống, khô… Đồng thời, triển khai nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn về giá, tới 50%-70% cho tất cả các ngành hàng, sản phẩm. Siêu thị cũng mở cửa xuyên Tết phục vụ người dân.

Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng cũng cho biết, từ cuối tuần qua, hai nhóm hàng hóa có sức mua bật tăng mạnh so với tuần trước là trái cây nội địa và nhóm các mặt hàng thực phẩm bổ dưỡng, mứt Tết, với mức tăng hơn 50%.

Thị trường hàng hóa Tết: Sức mua bật tăng ảnh 1 Mua giỏ quà tết tại siêu thị. Ảnh: LẠC PHONG

Lo dư thừa nguồn cung

 Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Thắng, sức mua năm nay của người dân chủ yếu tập trung vào tuần cận Tết thay vì cách hai hay ba tuần như trước đây. Saigon Co.op đang phối hợp các nhà cung cấp tiếp tục tập trung thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá liên tục, cũng như tăng thêm nhiều quyền lợi cho khách hàng từ nay đến sát Tết cho khoảng 100 mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm trữ mát, các loại thực phẩm sơ chế tiện lợi dành cho các buổi họp mặt, các loại bánh mứt Tết nhằm kích cầu.
Dù sức mua vẫn khó đoán vào giờ cận Tết, nhưng hầu hết doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ đang lên phương án tăng dự trữ sản lượng từ 100%-200% so với năm 2021. Cụ thể, hệ thống bán lẻ Satra đã chuẩn bị lượng hàng bình ổn tăng từ 5%-30% theo từng nhóm hàng, dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu. Hệ thống Bách hóa Xanh tăng khoảng 200% sản lượng, tùy cửa hàng.

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đến thời điểm này, các đơn vị nằm trong chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị hàng hóa trị giá trên 20.000 tỷ đồng phục vụ cho mùa Tết. Do đó, Tết năm nay sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hay tăng giá đột biến, ngược lại, nhiều doanh nghiệp còn đang lo lắng không bán hết được hàng trước Tết.

Dự kiến sức mua vẫn sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới khi nhiều khách hàng sẽ đi mua sắm vào dịp cận Tết. Tuy nhiên, theo nhiều siêu thị, ban quản lý chợ, tiểu thương… sức mua sẽ chỉ ngang với Tết năm ngoái và những sản phẩm có mức giá trung bình sẽ được khách hàng lựa chọn.

Khuya 26-1, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 tại 3 chợ đầu mối, gồm: Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền.

Khảo sát tại 3 chợ đầu mối, hàng hóa nhập chợ và giá cả có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, tại chợ đầu mối Thủ Đức, dự kiến sau ngày 25 Tết, lượng hàng hóa nhập chợ các loại đạt từ 4.500-5.000 tấn, giảm khoảng 1.800 tấn (giảm 26%) so với cao điểm Tết 2021. Riêng ngày 28 Tết, lượng hàng về chợ phụ thuộc vào sức mua của thị trường vào những ngày trước Tết nên dao động vào khoảng 1.600-2.000 tấn. Tương tự, tại chợ đầu mối Hóc Môn, hiện sản lượng hàng hóa nhập chợ đạt 2.300 tấn, dự kiến các ngày tới đạt 2.600 tấn và cao điểm Tết đạt 3.300 tấn, tăng 60% so với ngày bình thường, nhưng vẫn giảm so với Tết 2021. Tại chợ Bình Điền, dự kiến từ 26 và 27 Tết, sản lượng có thể tăng đến 50%, đạt khoảng 2.500-3.500 tấn/đêm. Sau đó, lượng hàng hóa sẽ giảm dần, đến đêm 28 Tết sản lượng chỉ bằng 50% so với lúc bình thường. Hiện nay, 80% hàng tại các chợ đầu mối cung cấp cho hơn 230 chợ truyền thống trên địa bàn.

Phát biểu tại các chợ đầu mối, Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng cho biết, rất phấn khởi khi thấy hàng hóa dồi dào, giá cả giảm so với năm 2021 và nhất là hàng trong nước chiếm chủ yếu (khoảng 80%). Tuy nhiên, các công ty quản lý chợ cần nắm thêm tình hình nguồn cung hàng hóa từ tiểu thương để đề xuất tăng nguồn cung kịp thời vào những ngày cao điểm Tết; tạo kết nối với chợ tiêu thụ nông sản từ các tỉnh nhằm giải quyết đầu ra cho nông dân.

Tin cùng chuyên mục