Nắng nóng, cúp điện luân phiên ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, làm việc của nhiều người. Để giải quyết sự cố, một số gia đình chọn giải pháp mua máy phát điện. Tuy nhiên, khi sử dụng không phải máy nào cũng chạy êm như quảng cáo. Hiện tượng máy “ọc” dầu, “nhả” khói, “uống xăng như nước lã”… vẫn tái diễn, gây nguy hiểm cho những khách hàng trót mua trúng sản phẩm… hại điện này.
Giá chỉ bằng 1/3
Trên thị trường hiện nay, các thương hiệu tên tuổi được sản xuất tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… rất được ưa chuộng. Do vậy, nhóm hàng này được các tay “nhái siêu hạng” tăng cường sản xuất, bất chấp thiệt hại xảy ra đối với khách hàng. Nhưng thị trường có cầu sẽ có cung, nhu cầu về mặt hàng này càng cao, hàng nhái theo đó sẽ gia tăng.
Thông tin từ các đại lý phân phối chính thức về máy phát điện tại Việt Nam, từ lời quảng cáo hấp dẫn: giá rẻ bằng 1/3 hàng thật, giảm giá 50%... nhưng hầu hết đều bán hàng cũ. “Chúng tôi bán đúng giá niêm yết trên sản phẩm. Khách hàng có thể tìm hiểu về giá trên trang web chính thức của công ty”, một nhân viên bán hàng máy phát điện chính hãng nói.
Các thương hiệu máy phát điện như: Honda, Celemax, Yamabisi, Hyundai… được nhiều chủ cửa hàng chào mời. Chẳng hạn, trên trang vatgia.com, muaban.net có nhiều lời rao với giá bán chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với giá chính hãng. Cùng chiếc máy dùng xăng Honda SH3000 GX160, hàng chính hãng có giá 9,9 triệu đồng, giá trên mạng chỉ có 3 - 4 triệu đồng; hoặc máy Honda SH7500 GX390 nguyên giá 20,4 triệu đồng, nhưng giá chào bán chỉ 10 - 12 triệu đồng/máy.
Không chỉ những cửa hàng chào bán qua mạng có giá rẻ bèo, ngay cả những địa điểm chuyên bán máy phát điện trên địa bàn quận 5, 10, 11, Tân Bình cũng mời chào với giá… cực “mềm”. Theo chân khách hàng tìm mua máy trên đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), chúng tôi được chủ cửa hàng giới thiệu máy sản xuất tại Thái Lan, linh kiện Nhật Bản. Tuy nhiên, quan sát kỹ chiếc Celemax (Nhật ) dùng xăng, công suất 3kW, không đề, có giá 12,8 triệu đồng, chú thích toàn tiếng Trung Quốc, không có tiếng Việt. Tương tự, chiếc máy hiệu Hyundai, Honda cũng dày đặc tiếng Trung Quốc, trong khi đó các chủ cửa hàng đều một mực khẳng định hàng của Malaysia, hoặc Thái Lan, Nhật Bản. Loại máy này giá dao động từ 3 - 4 triệu đồng/chiếc. Được biết, giá chính hãng của các sản phẩm này cao hơn gấp 2 - 3 lần.
“Uống” xăng như nước
Anh Hoàng Văn Thạch, thợ sửa máy chuyên nghiệp tại một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt (quận 11) cho biết: “Các mặt hàng giá rẻ được sản xuất nhiều tại Trung Quốc. Người bán thường lòe khách bằng chiêu hàng chính hãng Nhật Bản, Thái Lan… nhưng lắp ráp tại Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ nhất qua giá bán. Sản phẩm chính hãng không bán kiểu phá giá như vậy”.
“Loại máy khách hàng ưa chuộng nhất hiện nay thường là loại máy nhỏ và vừa, ít tốn xăng, chạy êm. Ngoài ra, những loại máy xuất xứ không rõ ràng thường không có giấy bảo hành chính hãng” - nhân viên bán hàng tại một siêu thị điện máy chia sẻ.
Một chiếc máy phát điện chính hãng (loại 3kW) sẽ tiêu tốn khoảng 0,88 lít xăng/giờ. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này sẽ xê dịch từ 0,8 - 1 lít. Nhưng cũng loại máy này không phải hàng chính hãng thì một chủ cửa hàng lại dám khẳng định với khách mỗi giờ chỉ tốn ở mức 0,5 - 0,6 lít là điều không thể tin được!
Như để bộc bạch bức xúc, anh Trần Văn Thế, ngụ tại đường Hồng Hà, quận Tân Bình nói: “Ngày 1-3, tôi có mua một máy phát điện Celemax dùng xăng trên đường Lý Thường Kiệt với giá 5 triệu đồng. Nghe lời chủ cửa hàng cho biết máy nổ êm, ít hao xăng, nếu hỏng sẽ có người đến bảo hành. Tôi tưởng thật, mua về sử dụng. Không ngờ, chỉ dùng được hơn 1 tuần, máy đã trở chứng. Tiếng nổ đinh tai, mỗi giờ tốn hơn 1 lít xăng”.
Trường hợp chiếc máy của gia đình chị Ngô Thị Thanh Vân (đường Âu Cơ, quận 11) còn nặng hơn: “Cách đây 5 tháng, chúng tôi có mua máy Honda SH3000 GX160 tại đường Lý Thường Kiệt quận 10 với giá 3 triệu đồng, được biết đây là hàng cũ. Nghe chủ cửa hàng nói rằng máy chạy còn tốt, nên tôi đồng ý mua. Sau khi sử dụng được 4 tháng, máy bắt đầu hỏng, xăng rò rỉ. Tôi đem sửa nhiều lần nhưng máy vẫn chứng nào tật nấy. Nản quá, tôi không dùng nữa”. Thống kê tại các cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt cho thấy, số lượng máy phát điện bán được vào thời gian cúp điện cao điểm khoảng từ 5 - 7 máy/ngày. Như vậy, lượng khách hàng bị “quả lừa” máy dỏm sẽ không ít.
Theo các chuyên viên, kỹ sư điện công nghiệp tư vấn, khi mua máy phát điện khách hàng nên lựa chọn thương hiệu tên tuổi, sản phẩm có bảo hành (1.000 giờ hoặc 1 - 2 năm tùy hãng), nguồn gốc rõ ràng, công suất máy phát điện lớn hơn công suất tiêu thụ thực tế từ 15-20% để bảo đảm máy chạy êm, kéo dài tuổi thọ…
Trên thực tế, nhiều người vẫn ham rẻ, “nhắm mắt mua liều” mà quên đi chất lượng của sản phẩm, vừa tốn tiền (hao nhiên liệu), vừa hại sức khỏe, tính mạng như máy ồn ảnh hưởng đến thính giác, rò rỉ xăng, dầu gây nguy cơ cháy nổ…
“Người mua máy không rõ nguồn gốc vô tình góp phần tạo cơ hội cho hàng gian, hàng giả tồn tại và được dịp tung hoành. Trong khi các cơ quan chức năng chưa thể kiểm tra hết được những cơ sở vi phạm thì trước tiên người dân cần biết tự bảo vệ mình”, một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM khuyến cáo.
THI HỒNG