Thị trường Mỹ không còn “dễ thở”

Chính phủ Mỹ vừa gia tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Vấn đề này trong ngắn hạn có thể tạo nên những thuận lợi nhất định cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhiều doanh nghiệp (DN), về lâu dài thì Mỹ không còn là thị trường tiềm năng và “dễ thở”.
Ván ép gỗ đang bị chính phủ Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá. Ảnh: THÀNH TRÍ
Ván ép gỗ đang bị chính phủ Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá. Ảnh: THÀNH TRÍ
 Hàng loạt rào cản

Phân tích về yếu tố này, đại diện Hiệp hội Chế biến thủy hải sản Việt Nam cho biết, từ sau năm 2016, việc xuất khẩu hàng vào thị trường Mỹ ngày càng khó hơn. Có thể kể đến mốc đầu tiên bắt đầu từ việc thay đổi quy định về luật an toàn thực phẩm mới của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Theo đó, các DN nước ngoài muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải có pháp nhân hoặc đại diện pháp nhân tại Mỹ và do Chính phủ Mỹ cấp. Chỉ với quy định này, có gần 800 DN Việt, vốn đang xuất khẩu lâu năm vào Mỹ, bị loại khỏi thị trường này.

Ở bước tiếp theo, những rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách bao bì và đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng thay đổi theo hướng ngặt nghèo hơn, khiến DN có vốn, quy mô đầu tư nhỏ không thể đáp ứng.

Đơn cử, với quy định về truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của DN phải đảm bảo truy xuất được từ khâu nguyên liệu đầu vào, đến quá trình sơ chế, vận chuyển, nhập qua cửa khẩu và đến tận tay người tiêu dùng.

Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, tính đến nay có gần 150 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, tại thị trường Mỹ nhiều nhất với 27 vụ, chiếm khoảng 20% tổng số vụ kiện.

Đại diện Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood cho biết, để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trên của Mỹ, công ty phải đầu tư mới lại dây chuyền sản xuất với tổng chi phí lên đến gần 2 triệu USD.

Một số DN Việt có tiềm lực mạnh hơn thì chọn giải pháp liên doanh hoặc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, số DN Việt có đủ năng lực tái đầu tư hoặc đầu tư trực tiếp như trên chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo ý kiến của nhiều DN, không chỉ khó khăn với các rào cản kỹ thuật, DN xuất khẩu còn phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện phòng vệ thương mại.

Hiện mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam bị áp mức thuế chống bán phá giá lên đến 250%. Riêng cá tra và tôm bị áp tăng thuế chống bán phá giá hàng năm. Có thời điểm mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho mặt hàng tôm tăng 25 lần so với mức cũ và áp thuế 7,74 USD/kg lên cá tra, cao 9,7 lần so với mức thuế trước đó.

Không dừng lại đó, hàng loạt mặt hàng khác đang có nguy cơ đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại như dệt may, da giày, sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đến thủy sản, nông sản... Gần đây nhất, 2 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị Mỹ điều tra chống bán phá giá là ván gỗ ép và bao bì.

Đa dạng thị trường xuất khẩu

Để giảm thiểu những tác động từ các chính sách thay đổi tại thị trường Mỹ, đặc biệt tránh nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá do thua kiện phòng vệ thương mại, nhiều DN Việt đã chủ động rút sớm khỏi thị trường này.

Đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP HCM cho biết, việc rút sớm cũng là giải pháp giúp DN tránh được hiệu ứng domino về kiện phòng vệ thương mại và áp thuế chống bán phá giá ở nhiều thị trường xuất khẩu khác.

Theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn đang trong đà tăng trưởng, nhưng đây không còn là thị trường tiềm năng và “dễ thở” cho các DN xuất khẩu.

Do đó, để chủ động trong hoạt động sản xuất, DN cần mở rộng và tìm kiếm thị trường mới. Những thị trường được đánh giá đang có nhiều thuận lợi cả về thuế lẫn tiêu chuẩn kỹ thuật là Canada, Úc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và các nước khu vực Á - Âu.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Đại học Kinh tế TPHCM, nhấn mạnh thuận lợi tại các thị trường mới là rất rõ. Tuy nhiên, để đi đường dài, DN cần đáp ứng đồng bộ tiêu chuẩn toàn cầu về sản xuất, sản phẩm, đầu tư công nghệ, quản lý sản xuất và muốn được vậy, DN phải tận dụng hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0 để chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp thị, phân phối và quản trị doanh nghiệp.

Đặc biệt, phải cải thiện năng lực xây dựng mạng lưới phân phối ở các thị trường thế giới bởi đây vốn đang là nhược điểm lớn nhất của DN Việt xuất khẩu. Chỉ có như vậy, DN mới có thể tạo ra lợi thế để vượt lên trong bối cảnh chung hiện nay.

Tin cùng chuyên mục