Đó là nhận định của hầu hết các diễn giả tại buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và xuất khẩu vào Myanmar do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức ngày 8-5 tại TPHCM.
Nhu cầu tiêu dùng lớn
“Sáng nay, khi chúng ta đang ngồi đây thì Quốc hội Myanmar đang họp để thông qua các bộ luật, trong đó có Luật Đầu tư. Myanmar đã thực hiện xong lộ trình 7 bước để tiến tới nền dân chủ và mở cửa. Các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) không thể bỏ lỡ thời cơ, đón đầu cơ hội vàng làm ăn với Myanmar” – ông Đàm Trung Bắc Tổng lãnh sự danh dự Myanmar tại TPHCM phát biểu mở đầu.
Theo ông Bắc, dân số Myanmar vào khoảng 60 triệu người, nhưng sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu người dân, do vậy Myanmar phải nhập khẩu rất nhiều mặt hàng, trong đó hàng tiêu dùng cực kỳ khan hiếm. Hiện phần lớn hàng tiêu dùng được đưa vào qua đường tiểu ngạch theo biên giới với Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Giá nhân công tại đây rất rẻ, khoảng 1 - 1,5 USD/ngày nên thu nhập người dân rất thấp, mức bình quân đạt 580 USD năm 2011.
Ông Huỳnh Tấn Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, sau 3 năm đưa đoàn DN TPHCM tìm hiểu cơ hội làm ăn tại Myanmar cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này có nhiều điểm tương đồng với VN. Do nước này đang ở trong thời kỳ đầu của công cuộc mở cửa nên nhu cầu mua sắm hàng hóa rất lớn. Tại hầu hết các đợt tổ chức hội chợ, nhiều mặt hàng của các DN bán hết ngay trong ngày khai mạc, người dân phải chen lấn mới có thể mua được hàng. So với Campuchia thì Myanmar là một thị trường dễ tính hơn nhiều.
Theo Thương vụ VN tại Myanmar, trong 3 năm qua, VN đã xuất khẩu một số mặt hàng sang Myanmar (gồm sản phẩm điện và điện tử, nguyên phụ liệu may mặc, thép các loại, chất dẻo và sản phẩm chất dẻo, hóa chất các loại, hàng công nghiệp thực phẩm...) nhưng thị phần vẫn còn rất khiêm tốn so với mối quan hệ lâu đời và tốt đẹp giữa 2 quốc gia.
Thị trường nhiều tiềm năng
Bằng kinh nghiệm của mình, ông Đàm Trung Bắc cho rằng, các DNVN khi tìm hiểu Myanmar chỉ quan tâm đến 2 lĩnh vực thương mại và đầu tư vào các lĩnh vực tài nguyên và đất. Người Myanmar đang thiếu trầm trọng hàng hóa phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế, săm lốp các loại, đồng hồ đo điện, phụ tùng các loại, vật liệu xây dựng, thuốc trừ sâu, mỹ phẩm, phân bón, nông sản thực phẩm, sắt thép vật liệu xây dựng, nguyên phụ liệu dệt may, mỹ phẩm, các loại hàng tiêu dùng phục vụ dân sinh... Các ngành nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, thủy sản và lâm sản chiếm 50% GDP nhưng phát triển rất trì trệ. Năng suất lúa của Myanmar mới chỉ đạt 2,5 tấn/ha, trong khi VN là 7 tấn/ha. DNVN hoàn toàn có đủ thế mạnh và kinh nghiệm để tham gia phát triển ngành trồng lúa, đậu và trồng rừng.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Myanmar cũng đang mời gọi DNVN đầu tư nuôi tôm, cá và khai thác, đánh bắt thủy sản… Hiện DN các nước đầu tư nhiều vào nước này nhưng các lĩnh vực dịch vụ vẫn chưa phát triển. Đây cũng là cơ hội để DNVN đầu tư như sửa chữa ô tô, điện máy, điện lạnh, cung cấp vật liệu xây dựng…
Trên thực tế, cơ hội làm ăn với Myanmar là rất lớn, nhưng nhiều DNVN cho rằng mới chỉ dừng ở mức tiềm năng vì nhiều lý do. Về thương mại, tại thời điểm này Myanmar vẫn yêu cầu liên kết, liên doanh một DN trong nước, mặc dù luật đã cho phép đầu tư 100% vốn nước ngoài. Cơ chế đầu tư đang sửa đổi nhưng cần phải tìm hiểu thật kỹ các luật lệ. Thanh toán thương mại và giao dịch còn gặp nhiều khó khăn do chưa đáp ứng được chuẩn quốc tế. Các DNVN làm với Myanmar chủ yếu thanh toán qua ngân hàng của Singapore, chứ chưa thanh toán trực tiếp, mặc dù VN đã có chi nhánh BIDV tại đây. Mặt khác, việc vận chuyển hàng hóa sang Myanmar còn nhiều trở ngại do VN không có chung đường biên giới đất liền nên hàng hóa của VN kém sức cạnh tranh so với Thái Lan và Trung Quốc. Đây là 2 “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp với hàng VN tại Myanmar.
| |
THÚY HẢI