(SGGP).- Ngày 4-2, tại TPHCM, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị góp ý về Đề án phát triển thị trường nước ngoài thời kỳ 2014 - 2020, tầm nhìn 2030.
Theo ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương), những năm gần đây, xuất khẩu (XK) trở thành nhân tố trọng tâm trong phát triển kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu năm 1986 XK mới chỉ chiếm 14,7% thì sau 10 năm tỷ lệ này đã tăng gần gấp đôi, đạt 26,2%, đến năm 2013 đóng góp của XK đã là 77% GDP, nhiều khả năng mức đóng góp này trong các năm tiếp theo vẫn chiếm tỷ lệ cao và có thể tăng hơn nữa.
Hiện nay, XK Việt Nam vẫn tập trung vào một số thị trường lớn và truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… Vì vậy, mở rộng, phát triển thị trường nước ngoài là tất yếu khách quan và cần thiết trong bối cảnh hiện nay và tương lai, đặc biệt khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và toàn cầu cũng như nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc về xuất nhập khẩu vào một số quốc gia nhất định.
Tại hội nghị, đại đa số ý kiến cho rằng, đề án mới chỉ hướng đến việc phát triển về mặt số lượng, thiếu hẳn sự phân tích, đánh giá và các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) để phát triển bền vững. Thị trường XK muốn phát triển bền vững thì phải lấy thị trường nội địa làm gốc. Nói cách khác, phát triển thị trường nội địa song song với xuất khẩu mới có thể mang lại sự lớn mạnh cho DN trong bối cảnh hội nhập. Còn nếu chỉ chăm chăm XK, bỏ trống sân nhà sẽ khó tránh khỏi những rủi ro từ sự thay đổi cơ chế chính sách, hàng rào kỹ thuật mọc lên ngày càng nhiều từ các thị trường.
Một số ý kiến cho rằng, việc XK mặt hàng gì vào thị trường nào là do DN tự quyết định, do vậy ngoài việc tập trung phân tích cụ thể từng thị trường chủ lực và nhóm ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam làm định hướng cho DN, thì đề án cần có chính sách về các ngành, có tiêu chí cụ thể, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển. Điều khiển thị trường bằng chính sách chứ không bằng số liệu cứng nhắc.
THÚY HẢI