Theo AFP, cổ phiếu châu Á giảm mạnh vào đầu tuần, theo sau sự kiện thị trường Phố Wall giảm mạnh cuối tuần qua, dẫn đến tâm lý bất ổn đối với các nhà đầu tư. Hiện đồng EUR so với USD và yên Nhật đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Người đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu cổ phiếu châu Á thuộc Ngân hàng tư nhân ABN Amro tại Singapore, bà Daphne Roth, cho biết, do cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu chưa được giải quyết, mối quan tâm về vấn đề nợ đang làm khó các nhà đầu tư.
Sáng qua 7-6, chỉ số Nikkei (Nhật Bản) giảm 3,4%, mất 396,95 điểm xuống còn 9.504,24 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 (Australia) giảm 2,78%, Korea Composite Index giảm 2,2%, chỉ số Dow Jones giảm 106 điểm, chỉ số Straits Times (Singapore) giảm 2,3% xuống còn 2.741,21 điểm. Các nhà phân tích cho rằng, nếu chỉ số Straits Times rơi xuống dưới 2.710 điểm sẽ hình thành xu hướng giảm dài hạn.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng giảm khi mở cửa giao dịch sáng nay. Shanghai Composite Index còn 2.481,97 điểm, thấp nhất từ đầu năm đến nay. Các cổ phiếu tài nguyên như BHP Billiton (BHP.AU) và Rio Tinto (RIO.AU) cũng giảm lần lượt 3,8% và 3,4%.
Trong khi đó, “sức khỏe” của đồng EUR cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngày 7-6, 1 EUR chỉ đổi được 1,1897 USD, lần đầu tiên rớt thấp hơn mức 1,19 USD kể từ tháng 3-2006. So với đồng yên Nhật, 1 EUR đổi được 108,47 yên, thấp nhất trong 8 năm qua. Giá vàng giao ngay ngày 7-6 ở mức 1.216,2 USD Mỹ/ounce, giảm 3,8 USD Mỹ/ounce so với giá đóng cửa giao dịch tuần trước tại thị trường New York.
Đồng thời, do thị trường quan ngại về nỗ lực phục hồi kinh tế của Mỹ, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7-2010 tại thị trường giao dịch hàng hóa New York giảm 1,82 USD Mỹ còn 69,69 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent Biển Bắc giảm còn 70,63 USD/thùng.
Những biến động trên thị trường chứng khoán châu Á đầu tuần này chính là kết quả của những lo lắng liên quan đến tình trạng nợ châu Âu đang lan sang Hungary. Hậu quả là vào ngày 4-6 vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã giảm mạnh. Chỉ số Dow Jones (Mỹ) giảm 3,2% khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán.
Cùng ngày 4-6, Phó Chủ tịch Liên minh Công dân Hungary (Fidesz) Lajos Kosa cho rằng hiện tình hình tài chính công tồi tệ nhiều hơn dự báo trước đó và nước này chỉ có một cơ hội mong manh để tránh khỏi cơn khủng hoảng tồi tệ như Hy Lạp.
Ngoại trưởng Mihaly Varga, đồng thời là cựu Bộ trưởng Tài chính cho rằng mức thâm hụt ngân sách mục tiêu 3,8% mà EU và IMF đã thông qua là có thể đạt được khi thay đổi kế hoạch thu chi.
T.Như