Hơn nửa tháng sau Tết Nhâm Thìn đã qua nhưng tại nhiều chợ, người ta có thể đứng từ đầu chợ nhìn đến cuối chợ. Trừ một số siêu thị vẫn đảm bảo được doanh thu, còn lại sức mua trên thị trường rất chậm, nếu không nói là có dấu hiệu bị đóng băng.
Thừa hàng, sức mua giảm
So với thời điểm này của năm ngoái, giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã giảm khá nhanh. Tính ra chỉ trong vòng 1 tuần sau Tết Nhâm Thìn, giá thực phẩm ở các chợ, cửa hàng bán lẻ đã giảm xuống gần một nửa so với mức giá tăng thêm hồi trước tết. Nguyên nhân chính là các siêu thị năm nay tiếp tục mở cửa sớm (từ mùng 2 Tết), giá ổn định đã kéo một lượng khách rất lớn nên buộc tiểu thương tại các chợ bán lẻ phải giảm giá theo. Mặt khác, điều quan trọng đang tác động đến giá chính là khách đi chợ đầu năm rất vắng. Tại nhiều chợ, đến thời điểm này có thể nhìn thông từ đầu chợ đến cuối chợ.
Ghi nhận tại các chợ đầu mối, lượng rau củ về chợ đã và đang trở lại với mức bình thường. Tại chợ Thủ Đức, lượng hàng nhập chợ trong những ngày qua đạt trên 3.000 tấn, tăng hơn 400 tấn so với tuần đầu sau tết, giá hầu hết các loại rau củ đều ổn định, thậm chí một số loại còn giảm nhẹ. Hiện tại thị trường TPHCM chỉ còn một vài mặt hàng rau củ quả (đậu Hà Lan, dưa leo, nấm...) và trái cây (xoài, mãng cầu) còn đứng ở mức cao hơn bình thường 15% - 20% do nhu cầu ăn chay và cúng rằm. Còn lại, hầu hết giá các mặt hàng thiết yếu như thịt, thực phẩm chế biến vẫn ổn định ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều ý kiến cho rằng, giá hàng hóa trước trong và sau tết năm nay tương đối dễ thở do trong năm các mặt hàng đều đã hình thành một mặt bằng giá mới.
Tiếp tục thắt chặt chi tiêu
Chị Đinh Thị Kim Cúc, chủ DNTN Phước Thịnh Nhôm, cho biết, thông thường vào ngày mùng 4 Tết, chị mở cửa bán hàng. Doanh thu cho đến rằm tháng giêng sẽ đạt 50 - 70 triệu đồng. Thế nhưng, năm nay điều chưa từng có đã xảy ra: doanh thu chưa đầy 10 triệu đồng. Không riêng ngành hàng vật liệu xây dựng, một số cửa hàng kinh doanh quần áo, giày dép cũng phải tạm đóng cửa vì sức mua còn rất chậm. Tại nhiều chợ, tiểu thương ở các ngành hàng cũng than rằng có ngày họ ngồi từ sáng đến chiều mà chẳng thấy khách đến mở hàng, chỉ toàn người bán ngồi nhìn nhau!
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cũng cho rằng sức mua trong hệ thống siêu thị Co.opMart trong những ngày đầu năm dù không giảm so với cùng kỳ nhưng cũng không tránh khỏi việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Theo dự báo của bà Hạnh Thu, trong năm 2012 sức mua các nhóm hàng phục vụ cho nhu cầu hàng ngày như thực phẩm tươi sống, hàng hóa phẩm và công nghệ phẩm sẽ tiếp tục tăng khoảng 20% - 30%, trong khi các nhóm hàng tiêu dùng không thường xuyên như quần áo, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, giày dép sẽ khó tăng. Mặt khác, việc mua sắm của khách hàng cũng sẽ được tính toán, chọn lọc một cách kỹ càng hơn. Sản phẩm nào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu và uy tín, đặc biệt có giá hợp lý sẽ tiếp tục thắng thế.
Với những gì đang diễn ra từ trước, trong và sau tết, có thể khẳng định, trong dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua, sức mua có biểu hiện tăng chậm nhất kể từ trước đến nay. Tổng kết, đánh giá sức mua trong mùa tết 2012, tại hệ thống Saigon Co.op cũng chỉ đạt mức tăng bình quân 25%, thấp hơn rất nhiều so với con số 40% năm 2010 và 35% năm 2011. Các siêu thị khác, mức tăng chỉ 10% - 15%. Giám đốc một siêu thị cho biết, sức mua chậm trong suốt năm 2011 đã tạo ra một cuộc cạnh tranh về giá rất khốc liệt tại các siêu thị. Cho dù các siêu thị có liên tục tổ chức chương trình khuyến mãi hấp dẫn đối với hàng trăm mặt hàng thì cũng khó có thể kéo được doanh thu tăng như mong muốn. Đến nay, các chương trình khuyến mãi trong dịp tết chưa kết thúc, thì các siêu thị như Co.opMart, BigC, MaxiMark, lại bước vào đợt khuyến mãi nhân ngày lễ Valentine (14-2). Họ đang hy vọng với việc giảm giá sâu trong dịp này sẽ tạo đà cho một năm kinh doanh mới...
THÚY HẢI