Bà Hiền giải thích, về cơ cấu nhà đầu tư, thời gian qua có sự thay đổi căn bản theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ của các NHTM, tăng tỷ lệ nắm giữ của Bảo hiểm Xã hội, các công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư. Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ nắm giữ TPCP của NHTM là 79,7% đến nay đã giảm xuống còn 51,1%. Nếu so với Trung Quốc, Thái Lan thì còn thấp hơn (lần lượt là 68% và 60%). Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài chính còn đẩy mạnh sự tham gia của Bảo hiểm Xã hội mua bán trên thị trường TPCP theo nguyên tắc thị trường, giống như một thành viên thị trường, làm cho thị trường ngày càng đa dạng hơn về hệ thống nhà đầu tư.
Đồng thời, với chủ trương đa dạng hóa hệ thống các nhà đầu tư trên thị trường, Bộ Tài chính cũng đã tập trung xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển các nhà đầu tư dài hạn, tạo cầu bền vững cho thị trường, bao gồm: quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ bảo hiểm liên kết, khuyến khích hoạt động đầu tư vào trái phiếu của các công ty bảo hiểm, bảo hiểm tiền gửi, nhà đầu tư nước ngoài.
“Do đó, có thể nhận xét rằng thị trường TPCP hiện nay không còn lệ thuộc vào các ngân hàng”, bà Hiền khẳng định.
Tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ đầu tư TPCP chiếm 7,28% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi dư nợ tín dụng chiếm 65% tổng tài sản, tương đương 130% GDP. |
Cũng theo bà Hiền, các NHTM nắm giữ TPCP với 2 mục tiêu. Thứ nhất là mua và nắm giữ trái phiếu để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn và sinh lời. Thứ hai là mua để kinh doanh trái phiếu khi có nguồn vốn nhàn rỗi nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Trong quá trình hoạt động, các NHTM luôn tuân thủ nghiêm ngặt các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, việc nắm giữ TPCP của các NHTM vừa đáp ứng nhu cầu đảm bảo an toàn vốn trong kinh doanh vừa tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn nhàn rỗi trong phạm vi an toàn của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, TPCP cũng là công cụ hỗ trợ để Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ như: thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn. Tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ đầu tư TPCP chiếm 7,28% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi dư nợ tín dụng chiếm 65% tổng tài sản, tương đương 130% GDP.
Về quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), theo đại diện Bộ Tài chính, tính đến thời điểm cuối năm 2017, dư nợ của thị trường TPDN tương đương 6,19% GDP - tăng so với quy mô của năm 2011 (3,31% GDP). Khối lượng phát hành bình quân giai đoạn 2011 - 2017 khoảng 49.000 tỷ đồng/năm, trong đó khối lượng phát hành năm 2017 gấp hơn 10 lần so với năm 2011. Mặc dù quy mô thị trường TPDN có sự tăng trưởng trong thời gian gần đây nhưng còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng (tương đương 130% GDP). Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20%-50% GDP của các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế.