Thị trường vật liệu xây dựng: Chưa thể lạc quan

Tăng trưởng chưa đáng kể
Thị trường vật liệu xây dựng: Chưa thể lạc quan

Những tháng gần đây, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) đã có những tín hiệu tích cực khi sức cầu nhích nhẹ. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản vẫn còn “đỏng đảnh” nên ngành VLXD khó có thể tăng tốc vững chắc trong ngắn hạn.

Giá vật liệu xây dựng đã tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Giá vật liệu xây dựng đã tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Tăng trưởng chưa đáng kể

Ghi nhận tại các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TPHCM cho thấy, cả sức mua và giá các loại VLXD như sắt thép, xi măng, gạch, cát, đá… đều tăng nhẹ, ở mức trên dưới 5%, tùy chủng loại. Bà Trần Thị Thu, chủ cửa hàng VLXD Hoàng Sơn, trên hương lộ 80, huyện Bình Chánh (TPHCM) cho biết, khoảng 3 tháng trở lại đây, nhờ lượng khách đến mua tăng trở lại nên mỗi tuần doanh thu bán ra đạt từ 50 - 70 triệu đồng.

“Lượng khách đến mua VLXD ở đây chủ yếu người dân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà. Một số loại VLXD tăng giá nhưng không đáng kể, chủ yếu bù đắp vào phí chuyên chở tăng do quy định xe không được chở vượt tải trọng và giá xăng dầu tăng từ đầu năm đến nay”- bà Thu giải thích.

Tương tự, nhiều cửa hàng VLXD trên các tuyến đường vùng ven như: QL22 huyện Hóc Môn; QL1A quận 12 hay đường Tô Hiến Thành quận 10; Lũy Bán Bích quận Tân Phú… trong khu vực nội thành sức mua có khởi sắc so với những năm trước.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, sức tiêu thụ xi măng, cả nội địa và xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm nay vào khoảng gần 33 triệu tấn, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mức tiêu thụ xi măng nội địa đã tương đương với mức tăng trưởng hồi năm 2010. Dự báo tổng lượng xi măng tiêu thụ nội địa cả năm 2014 đạt 49 - 50 triệu tấn, tăng khoảng 9% so với năm 2013 và xuất khẩu cả năm nay cũng đạt khoảng 16 - 20 triệu tấn.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho biết, lượng thép xây dựng tiêu thụ trên cả nước trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu cộng thêm các sản phẩm khác như thép tấm, tôn mạ, thép ống thì lượng tiêu thụ trong 6 tháng ước đạt trên 5 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo tiêu thụ thép các loại cả năm 2014 đạt xấp xỉ 12 triệu tấn, tăng 5% - 7% so với năm 2013. “Cung cầu của ngành thép hiện vẫn còn đang mất cân đối. Trong đó, cung vượt cầu quá lớn khiến các nhà máy thép xây dựng trong nước chỉ chạy khoảng 40% - 60% công suất”, một cán bộ VSA cho biết.

Cùng nhau tạo lối thoát

Theo nhận định của TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, sau 3 năm khủng hoảng và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hiện nay thị trường VLXD đang dần ổn định. Tuy vậy, vẫn chưa thể lạc quan do thị trường vật liệu xây dựng phụ thuộc khá lớn vào thị trường bất động sản - xây dựng, trong khi hiện nay thị trường này vẫn chưa có tín hiệu “rã băng”, do đó sức tiêu thụ của VLXD cũng bị giảm sút theo.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh VLXD cho biết, tình hình buôn bán dù có nhích lên nhưng vẫn còn rất khó khăn do bị ảnh hưởng khá lớn từ sự ế ẩm của các công trình xây dựng nhà ở. “Những dự án nhà ở xây mới lẫn đang trong quá trình hoàn thiện trên thị trường không nhiều. Để vượt qua khó khăn, hiện doanh nghiệp chúng tôi đang tìm lối ra bằng những đơn đặt hàng nhỏ lẻ, tăng cường hệ thống phân phối để gia tăng doanh số”, Giám đốc Công ty TNHH XD TM Thanh Bình, quận 12 nói.

Trong buổi hội thảo về phát triển ngành VLXD không nung mới đây tại Vietbuild 2014, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định, khi thị trường bất động sản trở về đúng giá trị sẽ giúp VLXD định hình được vị trí trên thị trường. Để đạt được điều này, trước mắt bất động sản cần tập trung cho các dự án nhà ở bình dân cho người lao động. Từ đó, ngành VLXD cũng sẽ tham gia vào các dự án này theo một chuỗi cung ứng, từ đó tạo lối thoát lẫn nhau.

Ngoài ra, nhà nước cần có những chính sách ưu tiên để các doanh nghiệp VLXD trong nước có thể tham gia nhiều hơn vào các dự án lớn trong nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của ngành VLXD cần hợp tác với nhau, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kỹ thuật để nâng sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập đang ào ạt tràn vào trong nước ngày càng nhiều. Mặt khác, các doanh nghiệp ngành VLXD chủ động tái cấu trúc để hình thành các tổ hợp sản xuất kinh doanh VLXD có đủ sức mạnh tài chính, công nghệ tiên tiến, đội ngũ chuyên nghiệp cùng phương thức quản lý hiện đại để sản xuất kinh doanh hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về dài hạn, cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới xuất khẩu VLXD vào các thị trường lớn và có tiềm năng lâu dài. Các hiệp hội nên chủ động xây dựng mạng lưới, chủ động tổ chức hợp tác xuất khẩu; chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh.

Mặt khác, cần tiếp tục tuyên truyền và vận động người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ và sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, không dùng hàng ngoại nhập hoặc nhập lậu; lập hàng rào kỹ thuật nâng cao chất lượng hàng hóa tránh sản phẩm VLXD kém chất lượng và nhập lậu tràn lan.

Xuất khẩu VLXD sang châu Phi

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu vật liệu xây dựng sang 27 quốc gia châu Phi đạt 127,43 triệu USD, tăng 25% so với năm 2012. Các loại vật liệu xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này gồm có xi măng, clinker, sắt thép, kính xây dựng, cấu kiện nhà lắp ghép, vôi sống...

Đơn cử, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang châu Phi đạt 25 triệu USD với các thị trường chính là Mozambique, Togo, Madagascar... So với những thị trường nhập khẩu xi măng lớn như EU và Mỹ, các đòi hỏi về chất lượng, dây chuyền công nghệ, vấn đề bảo vệ môi trường nơi sản xuất, nhà máy công suất lớn và đặc biệt là khả năng tập kết hàng với số lượng lớn trong thời gian ngắn... của thị trường châu Phi thường thấp hơn. Mặc dù mới thâm nhập vào thị trường châu Phi từ vài năm nay song xuất khẩu clinker của Việt Nam đã có mức tăng trưởng 30%/năm. Năm 2013, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất mặt hàng này sang 7 quốc gia châu Phi với tổng kim ngạch 51,3 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu sắt thép và các sản phẩm sắt thép phục vụ xây dựng sang châu Phi năm 2013 đạt 47 triệu USD, tăng 40% so với năm 2012. Dự báo trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu vật liệu xây dựng sang châu Phi sẽ có bước tăng trưởng tích cực và trở thành một trong những nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tại khu vực này.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục