Thi và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017: Thí sinh giảm bớt nỗi lo

Nhiều điểm mới
Thi và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017: Thí sinh giảm bớt nỗi lo

Năm thứ 3 Bộ GD-ĐT áp dụng kỳ thi “2 trong 1” với hai mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) để thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH “3 chung”: chung đợt, chung đề, chung kết quả vốn quá nặng nề, nhiều áp lực và tốn kém cho xã hội.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y Dược TPHCM năm 2016

Với quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ nhóm ngành sư phạm năm 2017 của Bộ GD-ĐT dù chưa hài lòng tất cả song nó cho thấy có nhiều tín hiệu đáng mừng.

Nhiều điểm mới

Về thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017, có bước đổi mới về thời gian, hình thức lẫn nội dung thi. Năm 2015 và 2016 thí sinh (TS) phải thi 8 môn kéo dài trong 4 ngày với tổng số giờ thi 8 môn lên đến 1.080 phút làm bài (nếu TS thi 8 môn) thì năm 2017 chỉ còn có 2,5 ngày với 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) với thời gian làm bài giảm gần 50%. Đáng nói hơn, hai năm trước TS phải thi 4 môn tự luận gồm Toán, Ngữ văn, Sử, Địa với thời gian làm bài 180 phút/môn thì năm 2017 chỉ còn duy nhất bài thi môn Ngữ văn là thi tự luận. Tất cả các bài thi còn lại đều làm bằng hình thức thi trắc nghiệm.

Đánh giá về Quy chế thi THPT quốc gia 2017, nhiều hiệu trưởng trường THPT cho rằng: Dù có hơi đột ngột với TS nhưng các trường cũng phải nỗ lực điều chỉnh lại cách học để thích ứng với kỳ thi. Tuy nhiên điều đáng mừng là phương thức thi này giảm bớt thời gian làm bài căng thẳng cho TS, đồng thời giúp TS thay đổi phương pháp học. 

Về Quy chế xét tuyển ĐH, CĐ nhóm ngành sư phạm cũng có nhiều điều chỉnh so với năm 2015 và 2016. Theo quy chế của Bộ GD-ĐT ban hành, điểm mới đáng lưu ý đầu tiên đối với TS trong xét tuyển đợt 1 là sẽ được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) cùng với thời gian làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. TS không bị giới hạn số lượng nguyện vọng, số trường khi ĐKXT như trước đây và các nguyện vọng của TS được sắp theo thứ tự ưu tiên. Đáng nói hơn, sau khi có kết quả thi THPT, TS được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trong thời hạn quy định và được xét trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký… Đối với các trường, điểm mới đáng chú ý là có thể thực hiện xét tuyển nhiều đợt trong năm. 

Có tính ổn định 

Thông tin mà các trường THPT lẫn các trường ĐH, CĐ phấn khởi nhất là khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ ổn định trong những năm tiếp theo. Văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế thi sẽ được ban hành hàng năm cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế. Về môn thi và hình thức thi, các môn Toán, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Trong năm 2017 nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12, năm 2018 nội dung thi trong chương trình lớp 11, 12 và năm 2019 nội dung thi nằm trong chương trình 3 năm lớp 10, 11, 12”.

Chưa bao giờ Bộ GD-ĐT lại đưa vào Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 4 chữ “giữ tính ổn định”. Do đó, điều này đã giải quyết được nỗi lo thường trực của thầy và trò đó là “chưa biết năm nay sẽ thi như thế nào, xét tuyển sẽ thay đổi ra sao”. Thông tin trên của bộ thật sự đã cởi trói lo lắng về thi cử, giúp học sinh có định hướng và phương pháp học ngay từ khi lên bậc THPT. Các trường ĐH cũng an tâm xây dựng phương án tuyển sinh, tuyển chọn người học cho phù hợp với năng lực và thế mạnh đào tạo của mình.

Bên cạnh những ưu điểm thì quy chế thi và xét tuyển năm 2017 vẫn còn một số điểm mà Bộ GD-ĐT cần phải thận trọng. Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, về điểm mới đó là thí sinh được đăng ký và thay đổi nguyện vọng, bộ phải đảm bảo giải pháp kỹ thuật để làm sao cho thông suốt, tránh xảy ra tình trạng nghẽn mạng, rắc rối như năm 2015 và 2016. Kế đến là vấn đề đề thi, tổ chức thi (coi thi, chấm thi) phải đảm bảo sự khách quan và công bằng để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của TS.

Đối với việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT phải đảm bảo tính thực thi và công bằng trong xác định chỉ tiêu theo các quy định hiện hành. Đừng để hiện tượng các trường khai man, khai gian về các điều kiện để tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Đừng để nhiều trường cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên thiếu thốn, thuê mướn khắp nơi mà vẫn có chỉ tiêu tuyển sinh như những trường “nói thật, làm thật”…

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục