Thích nghi để tồn tại

Bangladesh, do được tạo thành từ các đồng bằng bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hằng - sông Brahmaputra, thường xuyên bị lũ lụt và ngập úng. Mùa gió mùa khốc liệt, tuyết tan trên dãy Himalaya và những cơn bão dữ dội càng làm vấn đề thêm trầm trọng.
Người dân Bangladesh chăm sóc khu vườn nổi
Người dân Bangladesh chăm sóc khu vườn nổi

Hai phần ba diện tích Bangladesh là đất ngập nước với chằng chịt những con sông trĩu nặng phù sa thường xuyên thay đổi dòng chảy. Nhiều vùng rộng lớn bị ngập nước trong thời gian từ 8 tháng đến 1 năm, đồng thời tình trạng nước biển xâm nhập khiến nhiều vùng đất ven biển không thể canh tác.

Nhưng ở một nơi thuộc miền Trung Nam Bangladesh, nông dân đã theo một phương pháp canh tác truyền thống lâu đời được gọi là dhap, hay dân địa phương gọi là baira, để giảm bớt khả năng tổn thương trước biến đổi khí hậu.

Nông dân Kumar và gia đình ông đi gom cây cỏ như lục bình hoặc thân lúa, đặt chúng ở những vùng nước đọng, dập chúng thành hình dáng chiếc bè. Họ cấy cây con vào những luống hữu cơ này và đặt chúng ở những chỗ ngập trong làng. Độ bập bềnh của vườn rau giúp nó lên xuống theo mực nước, nước dâng lên đến đâu, vườn rau nổi lên đến đó. “Điều này đã tạo nên khác biệt cho cuộc sống của tôi. Bây giờ tôi đã có đủ lương thực trong mùa lũ và có thể giúp đỡ hàng xóm, bà con họ hàng chút ít”, Kumar cho biết.

Những nông dân xếp nhiều lớp cây dại thủy sinh như bèo, lục bình hoặc gốc lúa - phần gốc của những gì còn lại sau khi gặt lúa. Cây dại được để cho thối rữa, sau đó thường được trộn với phân bò và bùn đất. Hạt giống được đặt trong những quả cầu nhỏ gọi là tema làm từ đất than bùn và phủ xơ dừa. Sau một tuần, khi cây con mọc được khoảng 15cm thì cấy chúng ra luống nổi. Với các loại rau lấy lá như rau dền, thì người ta gieo hạt trực tiếp lên luống nổi.

Sau đó, các luống nổi này được neo vào cọc tre để không bị trôi đi. Ngoài rau, đôi khi họ có thể gieo mạ. Vào mùa mưa, nông dân chèo xuồng nhỏ để di chuyển giữa các đảo nổi này. Một luống nổi điển hình dài khoảng 6m, nhưng có khi dài tới 55m và cung cấp đủ thực phẩm cho người nông dân cùng gia đình, đồng thời là nguồn tạo thêm thu nhập khi còn dư ra để bán.

Chi phí thấp khiến các luống nổi trở thành lựa chọn khả thi cho nhiều nông dân, ông Nazmul Islam Choudhary thuộc Tổ chức quốc tế Practical Action cho biết. Chi phí trung bình của một luống nổi là khoảng 8.000 taka Bangladesh (khoảng 94 USD), giúp nông dân có thể sản xuất lương thực quanh năm và đảm bảo an ninh lương thực ngay cả khi vào mùa mưa bão.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), nông dân có lợi nhuận trung bình là 140 USD trên 100m2 luống nổi vào mùa gió mùa. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hệ thống này có thể là quy trình sản xuất lương thực cho 60%-90% người dân ở các vùng đất ngập nước phía Nam Bangladesh.

Hamida Bai, một nông dân ở quận Barisal, sở hữu 10 luống nổi, cho biết: “Những vườn nổi này cho năng suất cao hơn vườn trên cạn, vì không sử dụng đất nên cây trồng ít bị sâu bệnh và cỏ dại tấn công. Một lợi thế khác của vườn nổi là các loài xâm lấn gây hại như lục bình lại được biến thành lợi thế để tạo nên những kết cấu tài tình, chúng có khả năng kháng mặn, dễ nổi và có rất nhiều trong tự nhiên, từ đó làm giảm nguy cơ các bệnh truyền qua đất”.

Vào cuối mùa thu, khi nước rút, các nông trại nổi được rã ra, trộn với đất và được dùng để canh tác các cây trồng vụ đông như củ cải, bắp cải, cà chua và rau dền đỏ.

Tin cùng chuyên mục