Sau 4 ngày họp, Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Cuba đã kết thúc thành công, hoàn thành chương trình nghị sự: thông qua những phương hướng cơ bản trong chính sách kinh tế và xã hội của Đảng và cách mạng; bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới; Ban Chấp hành Trung ương đã cử ra Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro được bầu làm Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng.
Đáp ứng nhu cầu điều chỉnh cần thiết trong đường lối, chính sách, khắc phục những yếu kém, bất cập, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế để đưa đất nước vượt qua sóng gió, trọng tâm của Đại hội VI là hoạch định đường lối kinh tế cho 5 năm tới và những năm tiếp theo. Trong khi các nhà phân tích quốc tế theo dõi tình hình Cuba đặt câu hỏi liệu Cuba “sẽ đi theo mô hình nào”, thì Đảng Cộng sản Cuba gọi đây là lộ trình “cập nhật” những yếu tố mới, hay còn gọi là lộ trình “hợp thời hóa” mô hình kinh tế.
Thực chất, đây là việc đổi mới, là cải cách một nền kinh tế bao cấp, tập trung hóa cao độ đã tồn tại hàng chục năm ở Cuba. Sự kiện Liên Xô tan rã, mô hình chủ nghĩa xã hội ở một số nước châu Âu sụp đổ, cuộc bao vây, cấm vận kéo dài của Mỹ cũng như những diễn biến phức tạp, căng thẳng trong tình hình thế giới những năm qua đã gây ra rất nhiều khó khăn cho Cuba.
Có thể khẳng định, Đại hội VI là một mốc lịch sử vì đã chính thức hóa việc triển khai một loạt biện pháp điều chỉnh đường lối kinh tế ở Cuba. Với một đất nước mà toàn xã hội được bao cấp, hầu hết các hoạt động kinh tế đều là kinh tế nhà nước, gần 90% số người trong độ tuổi lao động đều là “người nhà nước”, thì những điều chỉnh, cải cách này rất đáng kể. Đó là việc cắt giảm chế độ bao cấp, như xóa bỏ tem phiếu, sổ mua hàng; là việc hủy bỏ đồng tiền peso chuyển đổi, tức là đơn vị tiền tệ giao dịch quốc tế của Cuba; là việc phân phối ruộng đất cho nông dân để khuyến khích trồng trọt, chăn nuôi. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã được chỉ đạo nới lỏng việc cấp tín dụng cho nông dân và một số cá thể kinh doanh để khuyến khích khu vực kinh tế dân doanh…
Mở rộng khu vực dân doanh phải là một nhân tố thúc đẩy phát triển chủ nghĩa xã hội ở Cuba - điều này được khẳng định rõ trong Văn kiện chính được Đại hội VI thông qua. Mô hình kinh tế của Cuba có cải tiến cũng nhằm bảo đảm tiếp tục sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế quốc dân và cải thiện đời sống nhân dân. Mô hình kinh tế quá tập trung lâu nay sẽ từng bước được chuyển đổi có trật tự và có kỷ luật thành một hệ thống phi tập trung hóa, nhưng trong đó công tác kế hoạch hóa vẫn được ưu tiên.
Theo văn kiện, xã hội xã hội chủ nghĩa ở Cuba không để cho bất kỳ một người nào rơi vào hoàn cảnh không được bảo vệ; sẽ không bao giờ có những “liệu pháp sốc” gây phương hại cho những người nghèo, vốn là tầng lớp ủng hộ cách mạng nhiệt thành nhất. Bí thư thứ nhất Raul Castro đã nhấn mạnh: “Trọng trách đặt lên vai tất cả các đảng viên hiện nay là cập nhật những yếu tố mới, hợp thời hóa mô hình kinh tế của đất nước để bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội ở Cuba không thể bị đảo ngược”.
Một trong những điểm nổi bật nhất của Đại hội Đảng Cộng sản Cuba là quy định mới về nhiệm kỳ lãnh đạo đối với các vị trí chính trị hàng đầu (chỉ còn 2 nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp). Đổi mới trong tư duy chính trị này được Chủ tịch Raul đánh giá là “cần thiết trong bối cảnh hiện nay”.
Đại hội này được xem là sự kiện quan trọng nhất kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Cuba năm 1975. Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro, Chủ tịch Raul và các nhà lãnh đạo khác của Cuba đã từng nhiều lần nhấn mạnh đặc trưng xã hội chủ nghĩa của Cuba là “không thể thay đổi”, củng cố thể chế đất nước sẽ đảm bảo cho chính sách đổi mới và không gây nguy hại cho tính kế thừa của chủ nghĩa xã hội ở Cuba.
NGUYỄN ĐĂNG PHÁT