Thiên nhiên nổi giận

Thiên tai liên tiếp
Thiên nhiên nổi giận

Những ngày cuối tháng 5, ngành hàng không ở nhiều nước châu Âu phải ngưng trệ vài ngày do núi lửa ở Iceland phun tro bụi; Mỹ hứng chịu trận lụt lớn và lốc xoáy dữ dội trong khi Trung Quốc đón nhận đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 50 năm qua. Những diễn biến bất thường của thời tiết buộc giới khoa học phải tiếp tục cảnh báo về hậu quả khốc liệt của thiên tai nếu các quốc gia không cam kết cùng chống biến đổi khí hậu.

Ngập lụt trên diện rộng ở thành phố Vicksburgh, Mississippi.

Ngập lụt trên diện rộng ở thành phố Vicksburgh, Mississippi.

Thiên tai liên tiếp

Tình hình thiên tai đang diễn biến phức tạp tại Mỹ. Mưa bão dữ dội kèm theo lốc xoáy liên tiếp ập vào các bang Arkansas, Oklahoma, Iowa và Texas, với sức gió lên tới 320 km/giờ. 124 người được xác định đã thiệt mạng, hàng ngàn người còn mất tích. Ước tính thiệt hại có thể lên tới 3,7 tỷ - 5,5 tỷ USD.

Trong khi đó, mưa lớn và tuyết tan chảy đã khiến nước sông Mississippi dâng cao, gây ngập lụt trên diện rộng tại một loạt bang ở miền Nam nước Mỹ, từ Dakota qua Illinois, Indiana, Missouri, Kentucky, Arkansas và Tennessee. Nước lũ đã nhấn chìm ít nhất 16 người. Theo các chuyên gia, đây là đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất tại thung lũng Mississippi kể từ năm 1937 đến nay.

Từ ngày 24-5, núi lửa Grimsvotn hoạt động mạnh nhất của Iceland đã phun tro bụi khiến khoảng 500 chuyến bay bị hủy trên khắp miền Bắc nước Anh, Scotland và Bắc Ireland, Na Uy, Đức. Tuy các hoạt động hàng không ngày 26-5 dần được khôi phục, nhưng dự báo đám mây tro bụi có thể thổi tới Bắc Âu, miền Tây nước Pháp và Tây Ban Nha vào cuối tuần này.

Ở Trung Quốc, nạn hạn hán đã lan từ miền Bắc xuống miền Nam, nơi trước đây thường bị mưa lũ, trong đó khu vực trầm trọng nhất là bốn tỉnh Quảng Đông, Giang Tây, An Huy và Sơn Đông. Chính quyền tỉnh Giang Tây cho biết, hơn 230.000 người, trong đó chủ yếu là cư dân vùng nông thôn phía Bắc tỉnh này, đang phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt vì đợt hạn hán bất thường này.

Bốn tháng đầu năm nay, lượng mưa trung bình ở Giang Tây chỉ bằng phân nửa lượng mưa cùng kỳ năm 2010. Toàn bộ 131 trạm bơm nước quy mô vừa và lớn ở Giang Tây đã không thể hoạt động bình thường vì mực nước các sông, hồ cạn kiệt.

GDP toàn cầu thiệt hại 1.600 tỷ USD

Theo báo cáo “Đánh giá toàn cầu về giảm nhẹ nguy cơ thiên tai năm 2011” của LHQ,  GDP toàn cầu đã thiệt hại khoảng 1.600 tỷ USD vì thiên tai, tăng gần gấp 3 so với những năm 1970 (hơn 525 tỷ USD). Với các nước giàu, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thiệt hại do lũ lụt tăng 160% trong vòng 30 năm qua; thiệt hại do bão tăng 262%.

Báo cáo của LHQ cũng cho thấy người dân châu Á có khả năng bị ảnh hưởng thiên tai gấp 4 lần so với người châu Phi, gấp 25 lần so với châu Âu và Bắc Mỹ.

Chỉ vài ngày sau khi thảm họa lốc xoáy và lũ lụt diễn ra tại Mỹ, nhiều chuyên gia cũng đã lật lại bản báo cáo khoa học từng dự báo biến đổi khí hậu sẽ gây ra nhiều thảm họa thiên tại cho nước Mỹ từ năm 2007, trong đó có lốc xoáy và lũ lụt. Các chuyên gia khí hậu cảnh báo các cơn bão sẽ xảy ra với cường độ mạnh hơn, lốc xoáy sẽ diễn ra thường xuyên nếu nước Mỹ còn chậm trễ trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Đây cũng vẫn luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi trong các hội nghị chống biến đổi khí hậu, gần đây nhất là tại Hội nghị khí hậu Bangkok vào tháng 4 vừa qua. Tuy đã nhất trí dành 100 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu, nhưng Hội nghị Bangkok không thể đạt được thỏa thuận về phân phối nguồn hỗ trợ tài chính này do bất đồng giữa các nước giàu - nghèo, cũng như không tìm được cách thức chung để ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, các đại diện của châu Phi cho rằng, mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C cũng đã dẫn đến “sự hủy diệt chắc chắn” đối với châu lục này và yêu cầu một mục tiêu thực tế hơn, tính đến những thiệt hại khổng lồ do thiên tai gây ra, trong đó có những trận lũ lụt kinh hoàng ở nhiều nước thuộc lục địa Đen.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục