Thiên tai dị thường đang đe dọa nền kinh tế

PHÚC HẬU
Thiên tai dị thường đang đe dọa nền kinh tế

Nhìn nhận lại tình hình thiên tai xảy ra trong vòng 8 tháng của năm 2015, với hàng loạt kỷ lục và dấu hiệu bất thường chưa từng có trên khắp cả nước, tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ứng phó thiên tai do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức ngày 14-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, những thiệt hại do thiên tai gây ra đang đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế. 

Sóng to gió lớn đe dọa các công trình tại biển Cửa Đại, Hội An. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương chia sẻ tại hội nghị, những hiện tượng đã và đang xảy ra trên khắp địa bàn cả nước kể từ cuối năm 2014 đến tháng 8 và 9-2015 có đã thể gọi bằng cụm từ là “bất thường và nhiều kỷ lục” mặc dù đây là thuật ngữ nhạy cảm mà giới chuyên gia khí tượng ít khi dám dùng. Còn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Cao Đức Phát, cho biết, những dấu hiệu về thời tiết khắc nghiệt dưới sự chi phối của biến đổi khí hậu, El Nino ngày càng rõ rệt hơn. Trong thời gian qua, chúng ta đã từng đối mặt với hiện tượng nắng nóng kỷ lục tới 420C ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, khô hạn kéo dài suốt gần 7 tháng tại Nam Trung bộ, trọng tâm là các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên… rồi mưa kỷ lục chưa từng gặp tại tỉnh Quảng Ninh (chỉ trong 5 ngày mà đón lượng mưa bằng 72% cả năm), dông lốc bất thường gây hậu quả lớn ở Hà Nội…

Tổng hợp mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, 8 tháng năm 2015, thiên tai đã làm 116 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại ước tính lên tới gần 5.500 tỷ đồng, chưa bao gồm thiệt hại về hạn hán kỷ lục, kéo dài ở các tỉnh Nam Trung bộ. So với cùng kỳ hàng năm mức thiệt hại về người ở mức tương đương, nhưng thiệt hại về kinh tế đã tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ nhiều năm. Thiên tai không chỉ đe dọa hoạt động khai thác khoáng sản tại Quảng Ninh, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất ở Tây Nguyên, hoạt động cân đối nguồn nước và sản suất điện năng mà còn để lại nhiều hậu quả, thiệt hại nặng nề khác.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, mặc dù thiệt hại về người không tăng, chúng ta đã đạt nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ tử vong trên biển do thiên tai bão lốc gây ra (chỉ còn xảy ra những trường hợp thiệt mạng trên đất liền do chủ quan) nhưng với thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra đã tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ nhiều năm thì “một nền kinh tế còn nhỏ như Việt Nam là quá sức chịu đựng”. Điều đáng lo lắng là sự bất thường của thiên tai sẽ không dừng lại ở đây, chắc chắn sẽ còn gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gây ảnh hưởng rõ rệt. Phó Thủ tướng lo lắng nói: “Hiện tượng cực đoan của thời tiết đang tác động nặng nề lên nền kinh tế, giá trị gia tăng của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong một năm có thể sẽ không bằng mức thiệt hại do thiên tai gây ra”.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trên thực tế cho đến nay chúng ta đã xây dựng nhiều chương trình và kịch bản, kế hoạch hành động cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai - từ năm 2006. Thủ tướng cũng đã quyết định tăng cường đầu tư cho công tác dự báo khí tượng thủy văn… nhưng hiện nay chúng ta vẫn lúng túng khi ứng phó khi có sự cố thiên tai dị thường. Một lần nữa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, chắc chắn thiên tai sẽ còn khó lường và cực đoan hơn trong thời gian tới, công tác dự báo vẫn còn khó khăn do chúng ta chưa theo kịp các nước có nền kinh tế mạnh và khoa học công nghệ hiện đại. Nhưng để giảm thiểu những thiệt hại và tổn thất từ thiên tai, ngay từ bây giờ các địa phương cần có những giải pháp cụ thể, lồng ghép việc quy hoạch và phát triển đô thị, giao thông, sản xuất… vào chương trình ứng phó thiên tai bão lũ, biến đổi khí hậu.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục