Thiên tai diễn biến khắc nghiệt

Hơn 2.600 lính cứu hỏa tại Bồ Đào Nha đang nỗ lực dập tắt 62 đám cháy rừng trong bối cảnh nắng nóng gay gắt đang lan rộng tại quốc gia châu Âu này.
Lính cứu hỏa Bồ Đào Nha nỗ lực dập lửa trong vụ cháy rừng
Lính cứu hỏa Bồ Đào Nha nỗ lực dập lửa trong vụ cháy rừng

Theo ABC News, tính đến rạng sáng 11-8 (giờ Việt Nam) vẫn còn 11 đám cháy chưa được kiểm soát.

Nóng từ Âu sang Mỹ

Theo Cơ quan khí tượng quốc gia Bồ Đào Nha, sau khi trải qua mùa đông và mùa xuân khô bất thường, tính đến cuối tháng 7-2017, gần 80% diện tích đất của quốc gia Nam Âu này bị khô nẻ nghiêm trọng. Nhiệt độ cao lên tới 39°C ở nước này sẽ còn kéo dài tới ngày 13-8.

Không chỉ Bồ Đào Nha, nhiều quốc gia khác ở khu vực Nam Âu cũng đang trải qua một mùa hè khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt. Tại Hy Lạp, nhiệt độ tại nhiều nơi được dự báo có thể tăng đến 40°C.

Trong khi đó, 26 thành phố lớn của Italia đang được Bộ Y tế đặt trong tình trạng báo động cao nhất do nắng nóng với nhiệt độ lên tới 40°C. 2 quốc gia Bắc Mỹ là Canada và Mỹ cũng đang phải đối phó với sự hoành hành của “giặt lửa” trong điều kiện khí hậu khô hạn kéo dài…

Các nhà khoa học đã chỉ ra biến đổi khí hậu là thủ phạm khiến nắng nóng hoành hành từ Âu sang Mỹ. Trái đất ấm dần lên đã khiến năm 2016 trở thành năm nóng kỷ lục trên toàn cầu trong vòng 137 năm qua, với nhiệt độ bề mặt Trái đất được ghi nhận ở mức cao nhất mọi thời đại. 

Theo báo cáo của Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA), phần lớn các chỉ số về biến đổi khí hậu trong năm 2016 đều trong xu hướng ấm dần lên. Một số chỉ số, trong đó có nhiệt độ đại dương và trên đất liền, mực nước biển và sự tập trung khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong không khí, đều phá những mốc kỷ lục được ghi nhận 1 năm trước đó. 

Những số liệu cập nhật hàng năm do các nhà nghiên cứu thuộc NOAA và hơn 450 chuyên gia thuộc gần 60 quốc gia trên thế giới đưa ra đều cho thấy, nhiệt độ Trái đất đã phá kỷ lục trong 3 năm liên tiếp, trong đó chỉ số về khí thải gây hiệu ứng nhà kính lập kỷ lục cao nhất; mật độ khí CO2, methane và nitrous oxide cũng đều tăng lên mức kỷ lục mới trong năm 2016.

Nam Á thành sa mạc?

Tạp chí Khoa học của Mỹ cho biết, hiện tượng Trái đất ấm dần lên cũng đang làm thay đổi thời điểm lũ lụt tại châu Âu, khiến mực nước tại một số sông lên xuống thất thường, tác động trực tiếp tới cuộc sống của những người nông dân trên toàn châu lục. 

Theo giáo sư Guenter Bloeschl, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Quản lý nguồn nước và ống dẫn nước của Đại học Công nghệ (TU) tại Vienna (Áo), ở các nước vùng Đông Bắc châu Âu như Thụy Điển, Phần Lan và các nước Baltic, tình trạng lũ lụt hiện nay có xu hướng đến sớm hơn 1 tháng so với giai đoạn những năm 1960 - 1970. Ở thời điểm đó, lũ lụt thường xảy ra vào tháng 4, còn hiện nay, lũ đến từ tháng 3. Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân một phần có thể do hiện tượng tan băng sớm hơn trong năm và khí hậu ấm lên.

Lũ lụt vào mùa đông tại các nước Tây Âu nằm dọc bờ Đại Tây Dương cũng có chiều hướng đến sớm hơn, thậm chí đến từ mùa thu. Trong khi đó, lũ lụt tại các vùng như miền Bắc nước Anh, miền Tây Ireland, bờ biển Bắc Âu và miền Bắc nước Đức lại có xu hướng chậm hơn 2 tuần so với cách đây 2 thập kỷ.

Tạp chí Science Advances cảnh báo, đến năm 2100, Nam Á sẽ trở thành một mảnh đất khô cằn. Ấn Độ, Pakistan, Nepal hay Bangladesh, Sri Lanka có thể chỉ còn là những bãi đất không người, 1/5 nhân loại phải di dời chỗ ở. Hiện tượng khí hậu nóng lên là mối đe dọa thực sự với con người. Cái nóng ẩm của Nam Á còn nguy hại hơn cái nắng khô ở những vùng sa mạc châu Phi, trở thành một thứ vũ khí giết người khi nhiệt độ tăng tới 35°C.

Tin cùng chuyên mục