Thiên tai gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp

Nhà xưởng bị phá nát, tính mạng lao động bị đe dọa, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, gây mất ổn định cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến khách hàng và đối tác trong chuỗi cung ứng… Đó là những hậu quả nghiêm trọng mà thiên tai gây ra cho doanh nghiệp. Thế nhưng, để ứng phó với vấn đề này, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm.
Thiên tai gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp

Nhà xưởng bị phá nát, tính mạng lao động bị đe dọa, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, gây mất ổn định cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến khách hàng và đối tác trong chuỗi cung ứng… Đó là những hậu quả nghiêm trọng mà thiên tai gây ra cho doanh nghiệp. Thế nhưng, để ứng phó với vấn đề này, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm.

Nhà hàng nổi ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị gió bão san bằng. Ảnh: VĂN THẮNG

Nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Quỹ châu Á, có khoảng 46% doanh nghiệp không quan tâm đến việc phòng chống thiên tai; 47% doanh nghiệp chưa có kế hoạch bảo vệ, thiết bị, dữ liệu cần thiết; 46% doanh nghiệp có quan tâm đến rủi ro thiên tai nhưng không có kế hoạch phòng chống và ứng phó; 33% doanh nghiệp có kế hoạch nhưng không đủ năng lực, nguồn lực thực hiện; 57% doanh nghiệp chưa mua bảo hiểm rủi ro thiên tai và 55% doanh nghiệp không có kế hoạch phục hồi sau thiên tai. Ông Dương Vinh Hiển, Phó giám đốc Công ty Dầu nhờn PV Oil cho biết, đợt lũ vừa rồi ở Quảng Ninh, chi nhánh của công ty tại đây cũng bị thiệt hại nhiều, ước tính hơn 1 tỷ đồng. Lũ lụt, mưa bão khiến đường sá bị tê liệt, hệ thống điện bị cắt nên các cửa hàng phân phối xăng dầu không thể bán cho khách hàng. Ngoài ra một số văn phòng của công ty cũng bị ảnh hưởng nhiều về cơ sở vật chất. Bản thân doanh nghiệp cũng không ngờ là ở Quảng Ninh lại chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như vậy.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Lê Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, trực thuộc Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai do nhận thức của hầu hết các doanh nghiệp về rủi ro thiên tai còn rất hạn chế, vẫn còn tình trạng chủ quan và chiếu lệ. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay vẫn thiếu sự chuẩn bị cần thiết để phòng và giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, thậm chí là giảm thiểu rủi ro khi sự cố xảy ra. Một số ít các doanh nghiệp có ý thức phòng chống rủi ro do thiên tai nhưng kế hoạch vẫn chung chung, thiếu cụ thể và thậm chí chưa bao giờ được kiểm tra để áp dụng phù hợp với thực tế. Riêng các doanh nghiệp phía Nam thì mức độ chủ quan còn cao hơn khi hầu hết doanh nghiệp không có các biện pháp phòng ngừa và chưa có sự chuẩn bị cho các tình huống thiên tai hay thảm họa. Điều này xuất phát một phần từ nguyên nhân là do doanh nghiệp nằm trong khu vực chưa có thiên tai hoặc là ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Mặt khác, doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên không có kinh phí, không được nghị quyết đại hội cổ đông cho phép trích lập, hay công ty mới chỉ tập trung vào công tác phòng cháy chữa cháy. 

Và cần chủ động

Ông Nguyễn Trí Thanh, đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam cho biết, thống kê cho thấy, hàng năm thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính khoảng 1,5% GDP. Trong đó doanh nghiệp là đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất. Điều đáng nói là trong bối cảnh hiện nay, thiên tai diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và của ngày càng nhiều hơn. Đơn cử, trong những năm gần đây, thiên tai xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng và diễn ra trên diện rộng hơn. Mức độ tàn phá của các cơn bão cũng như hoàn lưu bão ngày càng mạnh hơn. Ngay cả những nơi trước đây chưa từng có thiên tai, nay cũng đã hứng chịu nhiều thiên tai. Điển hình như tại TPHCM, trận mưa lớn diễn ra liên tiếp trong hai ngày 15 và 16-9 đã khiến cho nhiều nơi thành phố bị ngập; nhiều tầng hầm khu chung cư khu vực Bình Thạnh bị chìm trong nước khiến nhiều tài sản của người dân như xe hơi, xe máy bị hư hại. Tại một số quận, huyện như Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình và Gò Vấp…, nhiều cơ sở sản xuất phải ngưng hoạt động vì ngập nước…

Việc doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều phải chuẩn bị để ứng phó với thiên tai ở mọi cấp độ để có thể duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất là hết sức cần thiết. Theo đó, doanh nghiệp cần phải chủ động về việc lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai; phân bổ nguồn lực, kinh phí, thời gian cho kế hoạch và phải thông báo đến tất cả các nhân viên. Mặt khác, cần tăng cường vai trò của các tổ chức địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp để phổ biến thông tin, hỗ trợ lập kế hoạch. Đồng quan điểm này, ông Phạm Lê Cường cũng nhấn mạnh, quan trọng và đặc biệt là các doanh nghiệp phải tự ý thức và chủ động trong việc phòng chống rủi ro thiên tai. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước chỉ là một phần nhỏ. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai yêu cầu đặt ra là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, cần có chương trình truyền thông toàn diện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cho doanh nghiệp; cung cấp thông tin truyền thông về các dự báo của biến đổi khí hậu cho các doanh nghiệp. Lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với rủi ro thiên tai, chỉ đạo thực hiện kế hoạch đã lập là một việc nên làm thường xuyên, nhất là đối với những rủi ro thiên tai thường xảy ra trên địa bàn hoạt động của doanh nghiệp để doanh nghiệp luôn sẵn sàng và chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản sau mỗi lần thiên tai. Nếu doanh nghiệp quản lý rủi ro tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ được người lao động và tài sản của doanh nghiệp, bảo vệ được hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ được khách hàng, thực hiện trách nhiệm với xã hội, nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp.

Minh Hải

Tin cùng chuyên mục