* 65 người chết và mất tích
Tính đến 19 giờ ngày 6-10, thống kê từ các địa phương cho biết đã có 45 người chết, 20 người mất tích; trong đó Quảng Bình có 28 người chết; Nghệ An có 5 người chết, 3 người mất tích; Hà Tĩnh có 9 người chết; Quảng Trị có 2 người chết; Thừa Thiên - Huế có 1 người chết.
- Nỗ lực khắc phục thiên tai
Ngày 6-10, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ. |
Đến sáng 6-10, bộ đội biên phòng đã liên lạc được 26.987 tàu, với 98.876 lao động ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi để cho biết vị trí của áp thấp nhiệt đới, tổ chức hướng dẫn tránh, trú cho số phương tiện này.
Hà Tĩnh có 82 xã của 9 huyện bị ngập lụt nhưng chưa xác định được số nhà cụ thể. Quảng Bình ngập tại 6 huyện với 34.650 nhà. Quảng Trị ngập lụt 52 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố với số lượng trên 10.000 nhà. Thừa Thiên - Huế hiện còn ngập lụt 7.200 nhà tại TP Huế và các huyện Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền.
Hiện các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã và đang khẩn trương quyết liệt triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng ngập lũ và tàu thuyền gặp nạn trên biển. Tỉnh Quảng Bình cử các đoàn công tác trực tiếp xuống địa bàn xung yếu chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động 2 trực thăng, ca nô cao tốc, xe lội nước vào các vùng tâm lũ, các vùng ngập nặng mang theo mì tôm, lương khô, nước uống để cứu trợ dân. Hiện đã đưa được 12,5 tấn mì tôm, nước lọc, bạt che mưa về địa phương để cứu trợ, hỗ trợ khẩn cấp cho nhân dân. Cùng ngày, các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng trong tỉnh đã cơ bản được thông xe.
Tuy nhiên, đường sắt đi qua Quảng Bình, bị lũ cắt đứt 500m tại xã Quảng Sơn (Quảng Trạch). Tại huyện Tuyên Hóa ray sắt bị xô ngã xuống sông. Tại Thọ Lộc (Bố Trạch) hơn 1km đường sắt bị lũ xô đổ khỏi vị trí khiến đường ray biến dạng.
Theo thông tin, nếu được chi viện đầy đủ, khoảng 5 ngày nữa mới khắc phục các đoạn đường sắt bị hỏng. Hơn 2.000 hành khách bị kẹt tại ga Đồng Hới đang được ngành đường sắt vận chuyển bằng ô tô ra ga Vinh để đi tiếp Hà Nội, 2.000 hành khách ở ga Vinh cũng được chở vào Đồng Hới để tiếp tục hành trình vào Nam.
Chiều 6-10, ông Lê Trần Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, các lực lượng của tỉnh và huyện đã vận chuyển an toàn hơn 20 tấn mì tôm, 300 thùng nước uống, lương khô đến hộ dân ở từng thôn, xóm trên địa bàn và không có bất kỳ trường hợp nào bị đói.
Tỉnh đã trích hơn 1,3 tỷ đồng cứu trợ trước mắt người dân vùng lũ. UBMTTQ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam và một số đơn vị trên địa bàn hỗ trợ huyện Hương Khê, Vũ Quang hơn 12 tấn mì tôm, Bộ Công an hỗ trợ 100 triệu đồng và 5 cơ số thuốc. UBMTTQ tỉnh đề xuất Trung ương MTTQVN hỗ trợ 2.500 tấn gạo để cứu đói dân sau lũ.
Sáng 6-10, điểm sạt lở nặng nhất trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Hồng Vân (huyện A Lưới) đã khắc phục xong và thông xe. Hiện CTCP Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên - Huế tiếp tục huy động tối đa lực lượng cùng các phương tiện xe ủi, máy xúc khắc phục, gia cố các điểm sạt lở khác. Đợt mưa lũ vừa qua, đường Hồ Chí Minh sạt taluy tại 39 vị trí, với 20.097m³ đất đá, 17 cầu cống bị xói lở, gây tắt đường tại xã A Roàng (Km 389+050) và xã Hồng Vân (Km 319+950).
- Cả nước hướng về miền Trung
| |
Ngày 6-10, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký công điện khẩn yêu cầu UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế ứng ngân sách địa phương để huy động mì tôm, nước uống đóng chai trên địa bàn và trong khu vực để kịp thời cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng với số lượng cụ thể: tỉnh Hà Tĩnh (50 tấn mì tôm, 50.000 lít nước), tỉnh Quảng Bình (50 tấn mì tôm, 50.000 lít nước), tỉnh Thừa Thiên - Huế (10 tấn mì tôm). Tổ chức cứu trợ kịp thời, đảm bảo không để người dân nào bị thiệt mạng do đói, khát.
Ngày 6-10, nhằm hỗ trợ nhân dân các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ra lời kêu gọi nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung. Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục cử 2 đoàn công tác đánh giá thiệt hại và cứu trợ tại Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Quyết định bổ sung cứu trợ khẩn cấp nhân dân Quảng Bình và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 thùng hàng gia đình (gồm chăn, màn, bộ đồ nấu ăn và nhiều vật dụng thiết yếu khác), 50 lều bạt và 150 triệu đồng tiền mặt; hỗ trợ nhân dân Quảng Trị 600 thùng hàng gia đình và 50 triệu đồng; hỗ trợ nhân dân Nghệ An và Thừa Thiên - Huế mỗi tỉnh 400 thùng hàng gia đình và 50 triệu đồng. Tổng số tiền, hàng cứu trợ đợt thứ hai cho 5 tỉnh trị giá 2,2 tỷ đồng.
Cùng ngày, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức ủng hộ đồng bào miền Trung. Ngay trong lễ phát động, các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, viên chức cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị trực thuộc ở Hà Nội đã quyên góp được gần 150 triệu đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy TPHCM đồng thời phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, đoàn kết tương thân tương ái của dân tộc ta, sáng 6-10, Ủy ban MTTQ TPHCM, Ban cứu trợ TPHCM đã tổ chức lễ phát động (từ ngày 6-10 đến ngày 31-10-2010), kêu gọi các tầng lớp nhân dân, cán bộ - công nhân viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, tổ chức tôn giáo, đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội, đồng bào trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng đợt vận động cứu trợ đồng bào các tỉnh bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra. Ngay trong lễ phát động, có 16 đơn vị đăng ký ủng hộ hơn 3,3 tỷ đồng.
Sáng cùng ngày, các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX cũng đã quyên góp tại chỗ 75,29 triệu đồng. Mọi sự ủng hộ, đóng góp của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào TP được tiếp nhận tại trụ sở Ủy ban MTTQ TPHCM, số 55 Mạc Đĩnh Chi, quận 1 (ĐT: 38.244.848 - 38.223.212), số tài khoản: 000870406001484 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương chi nhánh Kỳ Hòa - TPHCM.
Trước đó, Ủy ban MTTQ TP đã chuyển khẩn cấp hỗ trợ, chia sẻ với đồng bào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh - mỗi tỉnh 1 tỷ đồng; tỉnh Thừa Thiên - Huế 500 triệu đồng.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ TPHCM, ngay trong chiều 6-10, đại diện Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã đến trụ sở Ủy ban MTTQ TPHCM ủng hộ 330 triệu đồng. Cùng ngày, tại trụ sở Báo SGGP, đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 2 đã đóng góp 25 triệu đồng và Công ty cổ phần Siêu Thanh đóng góp 100 thùng mì ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Ngày 6-10, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ủng hộ 7 tấn mì ăn liền để cứu đói khẩn cấp nhân dân 3 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết đã gửi tiền hỗ trợ đến các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, với mức hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế 50 triệu đồng; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị mỗi tỉnh 100 triệu đồng; tỉnh Quảng Bình 150 triệu đồng.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trích 4 tỷ đồng từ Quỹ Tương trợ dầu khí và số tiền quyên góp của 35.000 CBCNV toàn ngành dầu khí, mỗi người ít nhất 200.000 đồng, để hỗ trợ khẩn cấp đồng bào bị lũ lụt ở các tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).
Áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm về hướng Bắc Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn, hồi 13 giờ ngày 6-10, vị trí áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,6 - 19,6 độ vĩ Bắc; 107,6 - 108,6 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Thanh Hóa – Hà Tĩnh khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 - 61km/giờ), giật cấp 8, cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển hoặc di chuyển chậm về phía Bắc. Đến 13 giờ ngày 7-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,0 - 20,0 độ vĩ Bắc; 107,4 - 108,4 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 - 61km/giờ), giật cấp 8, cấp 9. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Do nước lũ rút chậm nên tình hình ngập lụt ở vùng trũng, hạ lưu sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình vẫn tiếp diễn. |
NHÓM PV