Thông tin từ hội thảo “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và quản lý” tổ chức ngày 26-11 ở Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, tôn, thép giả Trung Quốc xâm lấn thị trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường thép Việt Nam, khiến doanh nghiệp sản xuất thép trong nước mất thị phần, thua thiệt hàng trăm tỷ đồng; còn người tiêu dùng bị “móc túi” hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
|
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện cả nước có 15 công ty lớn và một số cơ sở sản xuất tôn thép mạ và phủ màu với tổng năng lực sản xuất lên tới 4 triệu tấn/năm. Ông Sưa cho biết, tình trạng phổ biến về việc làm giả, nhái tôn thép là nhập hàng Trung Quốc chất lượng kém sau đó in nhãn mác, thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín tại Việt Nam để tiêu thụ. Hiện tượng tôn nhái, tôn giả đã xuất hiện trên diện rộng từ Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội... Tình trạng gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả có ảnh hưởng tiêu cực như làm mất uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm giảm thị phần của các nhà sản xuất trong nước, giảm doanh thu và cũng giảm thu nhập của người lao động trong các cơ sở sản xuất tôn trong nước, ngân sách nhà nước bị thất thu thuế hàng ngàn tỷ đồng/năm, môi trường kinh doanh không lành mạnh. “Đặc biệt, người tiêu dùng đã bị “móc túi” đủ cách và nguy hiểm hơn là chất lượng công trình của họ không được đảm bảo. Trong một số trường hợp còn có thể đe dọa đến tính mạng con người “ - ông Sưa cảnh báo.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường khẳng định, thời gian qua, một trong những sản phẩm bị làm giả nhiều nhất là thép. Trên thị trường hiện nay, các loại thép giả Việt - Úc biến tướng thành “VUC”, “VUA”, thép giả Việt - Hàn là “VP”, “UP”, thép giả Thái Nguyên với nhãn hiệu “TISCO”, “TISSCO”... Về hình thức, thép giả không dễ phân biệt với thép thật, nhưng về chất lượng, khi đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Với mặt hàng tôn, hiện tôn không rõ nguồn gốc, tôn kém chất lượng từ Trung Quốc đội lốt tôn chính hãng đang diễn ra phổ biến ở nông thôn, đặc biệt là ở vùng cao, thậm chí diễn ra ngay ở Hà Nội.
Theo đó, tôn kém chất lượng nhập từ Trung Quốc theo cuộn, sau đó phân phối tới các cơ sở kinh doanh. Khi có khách hàng mua, dựa vào yêu cầu cụ thể, chủ cơ sở sẽ dùng máy dập để in tên và thương hiệu tôn có uy tín... Theo ông Tín, một trong những khó khăn trong việc kiểm tra xử lý với mặt hàng thép hiện nay là hệ thống chuẩn trong đo lường chất lượng thép đã có từ lâu, nhưng hiện nay ở nước ta vẫn chưa có đủ công nghệ, thiết bị để kiểm tra chất lượng của loại sản phẩm này. Mặc dù thị trường thép có nhiều cơ quan quản lý, nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng hàng triệu tấn thép tung ra thị trường mỗi năm!?
Đại diện các doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết, hiện nay phía biên giới phía Bắc theo đường tiểu ngạch tôn Trung Quốc vào nhiều và in nhãn hiệu tôn, thép Việt Nam. Việc làm giả xuất xứ, nhập nhằng về chất lượng khiến mặt hàng tôn lợp trên thị trường hiện đang nhiễu loạn. Theo số liệu thống kê năm 2013, Công ty Tôn Hoa Sen chiếm 39,31% thị phần tôn cả nước, tuy nhiên trước vấn nạn tôn giả, tôn nhái chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, Tôn Hoa Sen đã giảm 2,6% thị phần. Việc giảm thị phần kể trên tương đương với việc Tôn Hoa Sen bị mất sản lượng gần 45.000 tấn trong năm 2014, dẫn đến lãi gộp bị giảm mất 118 tỷ đồng. Theo ông Vũ, môi trường kinh doanh bị cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu thức gian dối vừa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, vừa triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính trong nước, kéo theo việc suy giảm cả ngành công nghiệp tôn thép và dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế. Theo tính toán của ông Vũ, mỗi mét tôn giả người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khoảng 4.000 - 6.000 đồng. Ước tính thị phần tôn giả đang chiếm 20% trên thị trường, tương ứng số tiền thiệt hại cho người tiêu dùng năm 2014 là khoảng 1.300 tỷ đồng!
Từ thực tế trên, ông Lê Phước Vũ cho rằng, để chống hàng giả trước hết phải lành mạnh hóa thị trường, đồng bộ từ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể, việc quản lý thị trường cần phải làm liên tục, hết trách nhiệm, buộc các doanh nghiệp phải công bố công khai tiêu chuẩn hàng hóa ngay tại cửa hàng. Bên cạnh đó, cần có chế tài để phạt nặng nếu phát hiện sai phạm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, hiện bản thân nhiều doanh nghiệp chưa vào cuộc để chống hàng giả. Lý do là họ sợ người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm của mình nên không dám lên tiếng và phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn. Do vậy, về mặt quản lý, các bộ ngành chức năng cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, nhất là ban hành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng tôn thép qua đó ngăn không cho các sản phẩm không đảm bảo chất lượng tràn vào thị trường trong nước. Quan trọng hơn, từ phía doanh nghiệp cần nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu, phải đăng ký thương hiệu để được pháp luật bảo vệ, tăng cường kiểm tra hệ thống phân phối để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.
TRẦN LƯU