Thiệt hại vì việc xây dựng nhà liền kề

Gia đình ông Võ Văn Tặc đang sinh sống bình yên tại căn nhà cấp 4 số 317 đường Lưu Hữu Phước (phường 15 quận 8, TPHCM), đến năm 2015 thì chủ khu đất trống cận kề tiến hành phân lô, bán nền. 
Nền nhà của ông Võ Văn Tặc bị sụt lún
Nền nhà của ông Võ Văn Tặc bị sụt lún

Nhà cửa xây dựng hối hả. Việc đào móng xây nhà bên cạnh đã khiến căn nhà của ông Tặc bị nứt tường, sụt lún nền, nghiêng về một phía. 

Ông Tặc kể: “Khi nhà tôi có dấu hiệu sụt lún, nứt tường, ông Dương Văn Tỷ (một trong những chủ đầu tư xây dựng khu nhà đó) đưa cho tôi 30 triệu đồng để khắc phục. Tuy nhiên, số tiền đó chả thấm vào đâu, căn nhà ngày càng hư hỏng trầm trọng. Tháng 7-2019, tôi làm đơn phản ánh vụ việc gửi UBND quận 8. Phòng Quản lý đô thị quận đã cử cán bộ đến xem xét. Ngày 26-7-2019, Chủ tịch UBND quận 8 ký Công văn 2111/UBND-QLĐT giải quyết đơn, yêu cầu gia đình tôi tạm ngưng sử dụng căn nhà 317 Lưu Hữu Phước vì nhà trong tình trạng không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tôi còn phải thuê đơn vị tư vấn có chức năng kiểm định xây dựng để đánh giá hiện trạng công trình và gửi kết quả kiểm định cho UBND phường 15. Căn cứ kết quả kiểm định, UBND phường 15 sẽ chủ trì tiến hành hòa giải giữa tôi và ông Dương Văn Tỷ. Dù đang gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi vẫn phải chi 15 triệu đồng để thuê kiểm định công trình”. 

Theo kết quả kiểm định của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xây dựng (Trường Đại học Bách khoa TPHCM), công trình nhà 317 Lưu Hữu Phước có mức độ nguy hiểm cấp D. Khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực công trình không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể.

Để có thể tiếp tục sử dụng công trình, cần có biện pháp phục hồi cải tạo, gia cố sửa chữa, gia cường kết cấu móng xử lý nghiêng lún, đổ bê tông sàn tầng trệt, phá dỡ tường gạch, xây lại tường bao mới. Tháng 10-2019, UBND phường 15 chủ trì hòa giải giữa ông Tặc và ông Tỷ. Tuy nhiên, buổi hòa giải bất thành do ông Tỷ không tham dự họp. 

Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo SGGP, ông Tặc cho biết: “Hơn nửa năm qua, tôi phải đưa gia đình đi thuê nơi khác để ở. Đủ thứ chi phí tốn kém trong khi đồng lương hưu eo hẹp. Vậy mà không ai đứng ra đền bù thiệt hại. UBND phường 15 hướng dẫn tôi khởi kiện, tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không cung cấp thông tin về doanh nghiệp có trách nhiệm đền bù, khắc phục để tôi có thể kiện”.

Trả lời về việc giải quyết vụ việc này, ông Khưu Đức Thuận, Thanh tra xây dựng khu vực phường 15 quận 8, cho biết: “Chúng tôi đang liên hệ với chính quyền địa phương, tập trung kiểm tra khu nhà 318 Lưu Hữu Phước. Khu nhà hơn 40 căn do nhiều chủ đầu tư, thi công, xây dựng. Mặt khác, vụ việc đã xảy ra hơn 4 năm, nhà đã được bán qua nhiều đời chủ sở hữu, nên khá khó khăn trong việc quy trách nhiệm đền bù”. 

Thực ra không quá khó để chính quyền địa phương truy tìm doanh nghiệp có trách nhiệm đền bù, khắc phục trong vụ việc này. Bởi lẽ giấy tờ hoàn công đều ghi nhận rất rõ doanh nghiệp nào thi công, đầu tư, giám sát, tư vấn công trình. Việc xây dựng hối hả dẫn đến thiệt hại nặng nề cho công trình liền kề có nhiều khả năng do xây dựng không đúng thiết kế, bản vẽ. Chính vì lý do này, trong đơn kiến nghị, ông Tặc đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ vấn đề pháp lý của khu nhà.

Tin cùng chuyên mục