* Nứt đất tại Lâm Đồng do yếu tố ngoại sinh
(SGGP).- Nhiều trận mưa lớn trong những ngày vừa qua đã làm các hầm và cầu chui dân sinh trên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) liên tục bị ngập nước, gây cản trở cho phương tiện lưu thông. Trước những bức xúc của người dân về năng lực thoát nước yếu kém của con đường hiện đại nhất Việt Nam, ông Lê Đắc Tuấn - Giám đốc Ban điều hành Dự án mở rộng đường Láng – Hòa Lạc (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng úng ngập là do tại khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng.
Hiện có hàng ngàn mét khối đất, đá và phế thải xây dựng đổ tràn ra khu vực đang thi công dự án. Ban điều hành Dự án mở rộng đường Láng – Hòa Lạc đã có nhiều văn bản, công văn báo cáo và kiến nghị thành phố hỗ trợ can thiệp, tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa được xử lý.
Bên cạnh đó, các khu đô thị hai bên ven đường gom trong quá trình xây dựng đã san lấp cao hơn cao độ quy hoạch, lấp hết các cửa cống thoát nước, dẫn tới hệ thống thoát nước nằm giữa đường gom và đường cao tốc không thể triển khai thi công theo thiết kế.
Để khắc phục tình trạng úng ngập, Ban điều hành Dự án đã đưa ra giải pháp tạm thời khi có mưa lớn là cử người và máy thiết bị ứng trực 24/24 để khắc phục các sự cố, như khơi thông dòng chảy, tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Về giải pháp khắc phục triệt để, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, hiện đơn vị Tư vấn thiết kế đã khảo sát xong hệ thống thoát nước dọc tuyến và đang tiến hành thiết kế lại để bàn giao cho nhà thầu triển khai. Ban điều hành sẽ ưu tiên thi công tại những vị trí hầm, cầu chui dân sinh có nguy cơ xảy ra ngập úng cao nhất, đó là các vị trí cầu chui dân sinh số 2, số 3 và số 5.
Ngày 8-6, các nhà khoa học của Viện Địa chất (Bộ KH-CN), Viện Địa lý tài nguyên, Đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước 707 phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh Lâm Đồng đã khảo sát hiện tượng nứt đất tại huyện Di Linh, đồng thời đưa ra một số nhận định ban đầu về nguyên nhân xảy ra hiện tượng này.
Sau đợt khảo sát vào đầu tháng 5 vừa qua, cùng với những diễn biến mới nhất của hiện tượng nứt đất, kỹ sư Đặng Đức Long, Đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước 707, nhận định: Các vết nứt ban đầu không xuất hiện thành một đường mà là các đường nhỏ dạng chân chim, sau đó phát triển thành các vết nứt lớn, kéo dài. Lúc đầu, vết nứt chỉ rộng 5 - 15cm, đến nay nhiều chỗ đã rộng hơn 25cm.
Các vết nứt xuất hiện theo hình vòng cung, đường kính khoảng 300m và được xếp vào quy mô nứt đất cực mạnh (cấp VIII). Các yếu tố ngoại sinh là nguyên nhân chính gây ra nứt đất và khởi đầu của hiện tượng trượt đất. Các yếu tố ngoại sinh gồm: quá trình phong hóa, cấu tạo sườn đồi (chưa ổn định về mặt động lực học) và hoạt động của nước mưa. Trong đó, việc mưa lớn, kéo dài chính là tác nhân kích hoạt nứt đất.
PGS-TS Phan Trọng Trịnh, Trưởng phòng Địa động lực (Viện Địa chất Việt Nam), Chủ tịch Hội Kiến tạo Việt Nam, cũng khẳng định, tất cả các dấu hiệu cho thấy hiện tượng nứt đất là do yếu tố ngoại sinh gây ra chứ không phải do hoạt động kiến tạo (nội sinh). Cụ thể, đây là sự trượt đất quy mô lớn do độ dốc chênh lệch và lớp phủ bazan dày.
Với việc đưa ra nhận định nguyên nhân nứt đất là do yếu tố ngoại sinh, PGS-TS Phan Trọng Trịnh đã đề nghị thực hiện biện pháp khoan thăm dò địa chất để xác định cơ lý đất và trữ lượng khối trượt. Việc khoan thăm dò địa chất không quá phức tạp, vì vậy, các đơn vị liên quan cần phải tiến hành ngay trong tháng tới. Kỹ sư Đặng Đức Long cũng cảnh báo rằng, hiện tượng nứt đất có thể sẽ xảy ra nhanh vào mùa mưa, vì vậy, trước mắt phải thường xuyên quan trắc để kịp thời đưa ra biện pháp xử lý, khắc phục.
B.QUYÊN - N.VIÊN