Thiết thực bảo vệ quyền lợi người lao động

Những năm gần đây, mặc dù điều kiện làm việc và các chế độ, chính sách đối với người lao động (NLĐ) có nhiều cải tiến tích cực, song việc bảo vệ quyền lợi người lao động ở nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tuần qua, Báo SGGP đã tiếp nhận nhiều ý kiến của bạn đọc gửi đến xung quanh vấn đề này.
Thiết thực bảo vệ quyền lợi người lao động

Những năm gần đây, mặc dù điều kiện làm việc và các chế độ, chính sách đối với người lao động (NLĐ) có nhiều cải tiến tích cực, song việc bảo vệ quyền lợi người lao động ở nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tuần qua, Báo SGGP đã tiếp nhận nhiều ý kiến của bạn đọc gửi đến xung quanh vấn đề này.

        Ngăn tình trạng bắt chẹt người lao động

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh, NLĐ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các làng nghề gặp nhiều khó khăn. Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tìm mọi cách bắt chẹt NLĐ. Nhiều đơn vị nợ lương công nhân kéo dài, chây ỳ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cắt xén tiền thưởng, tiền làm thêm giờ. Hàng loạt chế độ trợ cấp thai sản, độc hại, thất nghiệp dành cho NLĐ bị xâm phạm.

Trước đây, nhiều doanh nghiệp quan tâm lo bữa ăn giữa ca cho công nhân, hỗ trợ tiền đi lại, nhưng nay lấy lý do kinh phí eo hẹp, doanh nghiệp đột ngột cắt bỏ hoặc rút bớt các khoản chi này. Việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của NLĐ càng ít được quan tâm hơn. Nhiều NLĐ ngoài thời gian làm việc quần quật từ sáng sớm tới khuya, không có thời gian và điều kiện để giải trí. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cộng đồng dành cho NLĐ càng trở nên hiếm hoi.

Công nhân xây dựng làm việc chênh vênh nhưng không được trang bị bảo hộ lao động. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Công nhân xây dựng làm việc chênh vênh nhưng không được trang bị bảo hộ lao động. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Với mục đích cắt giảm chi phí đầu tư sản xuất, nhiều đơn vị sử dụng lao động trẻ em trong các công đoạn chế biến sản phẩm để chỉ phải trả lương thấp hơn so với NLĐ trưởng thành. Chẳng hạn, nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo tư nhân sử dụng lao động chưa thành niên vào các khâu đơn giản, như phân loại hoặc bao gói sản phẩm. Một số đơn vị vận tải trưng dụng trẻ em làm công việc dẫn dắt khách. Ngoài ra, nhiều trường hợp lạm dụng lao động làm các công việc nặng nhọc như bốc vác, đóng gạch, khai thác mỏ. Lao động trẻ em bị ép làm việc quá sức, đôi khi còn bị chủ sử dụng lao động hành hạ, đánh đập, xúc phạm danh dự, thậm chí xâm hại tình dục.

Nhìn chung, quỹ tiền thưởng, quỹ phúc lợi của các đơn vị, doanh nghiệp đều eo hẹp hơn so với trước. Không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, lương định kỳ còn nợ nần dai dẳng, huống chi là khoản thưởng. Mong các đơn vị, doanh nghiệp cân nhắc cắt giảm những chi phí trung gian không hợp lý dành quỹ phúc lợi thỏa đáng cho NLĐ.

PHAN CHÚC
(quận Thủ Đức, TPHCM)

        Chú trọng đảm bảo an toàn lao động

Trước thực trạng nền kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh đình đốn nên việc làm, thu nhập của NLĐ đang rất bấp bênh. Cùng với đó, NLĐ thêm nỗi lo về các sự cố rủi ro, tai nạn trong quá trình làm việc. Bởi lẽ, không ít đơn vị, doanh nghiệp lấy lý do sản phẩm ứ đọng, thiếu vốn nên tìm cách tiết giảm chi phí bằng biện pháp cắt xén các khoản đầu tư cho việc bảo đảm an toàn lao động.

Nhiều công nhân phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm nhưng không được trang bị các phương tiện bảo hộ, không được hưởng chế độ khám sức khỏe định kỳ hoặc trợ cấp bệnh nghề nghiệp. Hàng ngày, họ thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc, điều khiển máy móc trong điều kiện nhiệt độ cao, tiếng ồn quá mức, hít thở bầu không khí ô nhiễm nặng, khiến nhiều công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ bị mắc bệnh mãn tính. Nhiều doanh nghiệp không trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy, nên khi xảy ra cháy không kịp trở tay, khiến một số công nhân chết oan.

Những năm gần đây, các làng nghề thủ công ở nước ta phát triển mạnh. Sản phẩm làng nghề phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thu nhập của người dân tại các làng nghề cũng được nâng lên, diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc. Tuy vậy, nhiều cơ sở sản xuất tại các làng nghề chỉ chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ việc bảo đảm an toàn cho NLĐ. Nhiều người thợ làm việc tại các làng nghề truyền thống sản xuất mặt hàng dệt, sơn mài, đồ mộc, thuộc da, thu gom phế liệu dùng tay trần tiếp xúc với hóa chất độc hại, không đi ủng, không đeo kính, khẩu trang, nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, mắt, da liễu. Tại một số làng nghề rèn đúc cơ khí, không ít người thợ do thiếu thiết bị bảo hộ, cho nên đã có nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra dẫn đến thương tật suốt đời.

Tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng cũng chiếm tỷ lệ khá cao trong các vụ việc tai nạn xảy ra gần đây. Nếu tận mắt chứng kiến quy trình làm việc của công nhân xây dựng, thợ nề, phụ xây, thợ hàn, thợ lắp kính trên các tòa nhà cao tầng, sẽ không khỏi giật mình lo lắng. Nhiều người thợ đứng chênh vênh trên giàn giáo cao ngất ngưởng mà không có thiết bị bảo hộ, không thắt dây an toàn, không có bạt che chắn đầy đủ. Vì thiếu biện pháp bảo đảm an toàn, cộng với sự chủ quan của NLĐ dẫn đến không ít trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đã có nhiều người thợ không may ngã từ trên cao xuống chết hoặc mang thương tật suốt đời. Công nhân làm việc trong lĩnh vực khai thác than, khoáng sản, các mỏ đá cũng dễ gặp rủi ro, tai nạn, do sự cố sập hầm lò hay đá lở. Do vậy, các doanh nghiệp và ban ngành cần quan tâm đến NLĐ nhiều hơn, cần phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn lao động cho công nhân của mình. Riêng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền đến NLĐ nhằm đảm bảo an toàn lao động, thanh tra, kiểm tra và xử lý mạnh tay với những người sử dụng lao động cố tình vi phạm quy định.

LÂM QUANG (quận 7, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục