Thiếu bộ quy chuẩn kỹ thuật

Nhìn vào bản đồ năng lượng quốc gia có thể thấy, số lượng các công trình thủy điện nước ta đã tăng một cách chóng mặt, nhất là từ khoảng năm 1995 tới nay.

Nhìn vào bản đồ năng lượng quốc gia có thể thấy, số lượng các công trình thủy điện nước ta đã tăng một cách chóng mặt, nhất là từ khoảng năm 1995 tới nay.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang, trên địa bàn cả nước hiện có tổng số 1.110 công trình và dự án thủy điện được quy hoạch với tổng công suất lắp máy khoảng 25.290 MW. Đến nay có 239 công trình đã hoàn thành xây dựng và vận hành phát điện với tổng công suất lắp máy 13.066 MW (chiếm 51,6% tổng công suất); 217 công trình đang thi công (chiếm 19,5% tổng số dự án) với tổng công suất lắp máy 6.953 MW (chiếm 27,4%)…

Sự phát triển mạnh mẽ này đã góp phần tích cực vào giải quyết nhu cầu năng lượng đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, hàng loạt sự cố tại các công trình thủy điện xảy ra trong thời gian vừa qua đã làm chúng ta phải giật mình với những hệ lụy từ tình trạng phát triển nóng về thủy điện. Giật mình bởi nhiều cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận việc phê duyệt, quản lý chất lượng các công trình thủy điện quá dễ dàng, dẫn đến nhiều công trình thi công cẩu thả, thiếu trách nhiệm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với cộng đồng. Và lo ngại hơn nữa, với số lượng công trình thủy điện lớn như vậy nhưng lại chưa hề có một bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình thủy điện.

Theo Tiến sĩ Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, việc phải có một bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình thủy điện rất cần thiết. Đó là cơ sở để các chủ đầu tư, cơ quan chức năng căn cứ thực hiện nhằm đảm bảo điều kiện an toàn về độ bền, độ ổn định trong các trường hợp thiết kế. Bộ tiêu chuẩn này cũng đòi hỏi các công trình thủy điện phải thuận lợi cho công tác quản lý, vận hành, có các phương án đối ứng thích hợp để xử lý cụ thể đối với từng trường hợp nhằm giảm nhẹ những tác động bất lợi có thể gây ra cho bản thân công trình và các đối tượng bị ảnh hưởng khác hoặc khi công trình bị sự cố, hư hỏng…

Được biết, hiện Bộ Xây dựng đang chủ trì biên soạn dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình thủy điện. TS Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ KHCN-MT (Bộ Xây dựng), cho biết, dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được lần đầu biên soạn sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố kỹ thuật trong xây dựng công trình thủy điện, không phân biệt nguồn vốn đầu tư, bao gồm xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hoặc mở rộng công trình xây dựng thủy điện. Cũng theo dự thảo, công trình thủy điện phải đảm bảo sự hài hòa về kiến trúc thẩm mỹ của từng công trình trong hệ thống công trình đầu mối và sự hòa nhập của chúng với cảnh quan khu vực. Trong mọi trường hợp đều phải đảm bảo duy trì các điều kiện bảo vệ thiên nhiên, vệ sinh môi trường sinh thái và nghiên cứu khả năng kết hợp tạo thành điểm du lịch, an dưỡng...

Với khoảng 40% số công trình thủy điện trong quy hoạch đã và đang được xây dựng thì việc ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình thủy điện vào lúc này cũng đã là muộn. Thế nhưng, nếu xét đến việc còn hàng trăm công trình thủy điện nằm trong quy hoạch sẽ được xây dựng trong những năm tiếp theo thì bộ quy chuẩn kỹ thuật này vẫn vô cùng cần thiết. Chỉ cần một công trình thủy điện không an toàn thì hiểm họa với cộng đồng đã là khôn lường. Thiết nghĩ, Bộ Xây dựng cần nhanh chóng hoàn tất bộ quy chuẩn kỹ thuật này để sớm đưa vào thực tế quản lý các công trình thủy điện trong thời gian tới!

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục