Thiếu chia sẻ rủi ro, doanh nghiệp thiếu tự tin đầu tư

Với đặc thù chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng suất đầu tư thấp; đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất... đó là những bất cập khiến cho ngành công nghiệp Việt Nam không thể lớn.

Lý giải thực tế này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này xuất phát từ chính sách điều tiết kinh tế của nước ta một thời gian dài còn nhiều bất cập. Điển hình nhất là những chính sách hỗ trợ vốn chủ yếu tập trung một số lĩnh vực đầu tư thương mại, dịch vụ có khả năng sinh lợi và thu hồi vốn nhanh.

Trong khi đó, với những ngành đầu tư hoạt động sản xuất có vốn đầu tư lớn nhưng thời gian hoàn vốn lâu, lợi nhuận thu được không cao, thường khó được ưu tiên đầu tư. Không chỉ vậy, những ngành đầu tư sản xuất thường có rủi ro cao. Chủ đầu tư thường thiếu điều kiện liên quan đến tài sản thế chấp. Đã vậy, thị trường đầu ra lại khó khăn, bấp bênh, nhất là khi nước ta chưa có những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu và cuối thuần Việt đủ có thể tạo ra chuỗi cung ứng kết nối.

Các doanh nghiệp sản xuất phải tự mình tìm kiếm thị trường hoặc chấp nhận trở thành đơn vị gia công cấp 3, 4, 5, thậm chí là cao hơn nữa cho những doanh nghiệp cung ứng cấp 1 nằm trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu. Chưa hết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất liên tục thay đổi. Những điều kiện cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp chưa được thực thi đúng với chủ trương ban hành... Đây cũng chính là những yếu tố tạo tâm lý kinh doanh thiếu bền vững của doanh nghiệp nước ta. Thống kê của Trung tâm Xúc tiến đầu tư Nhật Bản chỉ rõ, có đến 60% doanh nghiệp Việt Nam chỉ có chiến lược đầu tư trong 5 năm. Trong khi cũng tỷ lệ này, với doanh nghiệp Nhật Bản luôn có chiến lược đầu tư 50 năm.

Từ đầu năm 2016, những quyết sách của Chính phủ nhằm đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư sản xuất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được triển khai thực hiện. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn đầy rẫy những rào cản mà doanh nghiệp nhỏ không thể chạm tay vào. Đơn cử chính sách vốn, những doanh nghiệp nhỏ không thể đáp ứng các điều kiện thế chấp tài sản để được vay vốn từ hệ thống ngân hàng. Còn ngân hàng thì cũng không thể mạo hiểm cho doanh nghiệp vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Rất nhiều ngân hàng đã từng đột phá trong quá trình cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp việc đầu tư không thành công và hậu quả là ngân hàng phải gánh.

Kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp sản xuất tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, nhất thiết phải có chính sách chia sẻ rủi ro cùng doanh nghiệp. Để thực hiện chính sách này cần có vai trò chủ đạo từ phía Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp hay chủ doanh nghiệp đưa ra những đề án phát triển, dự án đầu tư hoặc đưa ra ý tưởng nghiên cứu phát triển những sản phẩm mới. Chính phủ sẽ xem xét cụ thể, có những chính sách hỗ trợ chi phí nghiên cứu và đầu tư sản xuất sản phẩm phù hợp. Nếu thành công thì Chính phủ sẽ có thêm một doanh nghiệp với dự án đầu tư hết sức tiềm năng. Còn không thành công thì doanh nghiệp cũng sẽ giảm thiểu tối đa những thiệt hại cho mình.

Đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư Nhật Bản cho biết, chính sách này đã từng thực hiện rất thành công tại Nhật Bản. Dĩ nhiên, không thể nào 100% dự án đề ra đều thành công. Thế nhưng chỉ cần 1/5 trong số đề án thành công, Chính phủ hoàn toàn có thể bù lại chi phí mình đã đầu tư. Thậm chí, có thể sinh lợi từ những dự án thành công đó. Đặc biệt, về lâu dài, dần dần tạo tâm lý an tâm đầu tư cho doanh nghiệp, từng bước kiến tạo nền công nghiệp sản xuất.

Vấn đề còn lại, Chính phủ phải đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp để thẩm định và xây dựng dự án đầu tư có tính khả thi cao nhất. Tránh tình trạng như hiện nay, nhà khoa học nghiên cứu một đường, doanh nghiệp lại sản xuất một kiểu, vừa lãng phí ngân sách nghiên cứu mà khả năng ứng dụng thực tế lại không có.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục