Thiếu chính sách đột phá, giao thông sẽ bế tắc

Có mặt tại tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn qua địa bàn quận Thủ Đức (TPHCM), chúng tôi ghi nhận cảnh người đi xe máy chạy nườm nượp trên làn đường ô tô...
Vào giờ cao điểm, trên đường Phạm Văn Đồng, xe gắn máy tràn lấn qua 3 làn đường dành cho ô tô
Vào giờ cao điểm, trên đường Phạm Văn Đồng, xe gắn máy tràn lấn qua 3 làn đường dành cho ô tô
Tại thời điểm phóng viên có mặt, người đi xe máy có mặt ở hầu hết các làn đường, kể cả làn đường ngoài cùng dành cho ô tô. Ông Trần Xuân Long (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), một người dân khu vực cho biết, hình ảnh này không còn là cá biệt. Nó xuất hiện đều đặn, buổi sáng thấy rõ ở chiều từ quận Thủ Đức đi vào quận Bình Thạnh và ở hướng ngược lại vào buổi chiều.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng dài hơn 13km, từ cổng sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) đến quốc lộ 1 (quận Thủ Đức). TP chi hơn 6.780 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và đầu tư thêm 186 triệu USD xây dựng. Dự án trọng điểm này được thông xe toàn tuyến vào tháng 8-2016, mở ra một trục đường mới rộng rãi, giúp giao thông khu vực thông thoáng hơn. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, do nhu cầu lưu thông, nhất là lượng người đi xe gắn máy quá lớn nên xuất hiện những bất ổn như trên.
Tình trạng này cũng diễn ra trên nhiều trục đường, là những công trình trọng điểm được đầu tư bằng số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể hơn, việc kẹt xe không còn xa lạ trên một trục đường quan trọng khác của TPHCM là đường Võ Văn Kiệt - hầm Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ (thuộc dự án đại lộ Đông Tây). Trong đó, hầm Thủ Thiêm là công trình giao thông tiêu biểu của TPHCM, từng là đường hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á, nhưng đã bị kẹt xe. Có thời điểm, để giải quyết kẹt xe, ô tô bị ngăn qua hầm để… nhường đường cho xe máy.
Theo Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, xảy ra ùn tắc là do số lượng xe qua hầm tăng rất nhanh. Tại thời điểm thông xe hầm Thủ Thiêm, mỗi ngày chỉ có khoảng 68.000 lượt xe máy qua hầm. Hiện nay, lượng xe máy tăng gần gấp 5 lần. Đặc biệt, qua so sánh thời điểm giữa 2 năm, có khi xe máy qua hầm tăng 30.000 lượt/ngày, ô tô tăng gần 9.000 lượt/ngày. Nguyên nhân được nhận diện là do phát triển đô thị về phía Đông, dẫn đến nhu cầu lưu thông trên các trục đường này tăng mạnh. Vậy giải pháp thì sao?
Ở hướng này, TPHCM có kế hoạch đầu tư tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn (tuyến BRT số 1) và tập trung đầu tư tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1). Song, nhìn kinh nghiệm BRT từ Hà Nội, TP vẫn ngần ngừ chưa quyết về phương án, thời điểm đầu tư tuyến BRT. Trong khi đó, tuyến metro số 1 dù được TP tập trung hơn 10 năm qua nhưng liên tục gặp vướng mắc về vốn, về thủ tục nên đến nay thời điểm hoàn thành vẫn là… ẩn số!
Nhìn tổng thể, hiện nay TPHCM vẫn chưa có các loại hình vận tải khối lượng lớn như BRT, monorail hay metro. Hệ thống giao thông công cộng của TP hiện nay chỉ có xe buýt, với nhiều bất cập trong hoạt động. Trong khi đó, với bất kỳ siêu đô thị nào, một hệ thống vận tải công cộng là yếu tố quan trọng giải quyết tắc nghẽn giao thông đô thị. Do vậy, TP cần tập trung hơn nữa để hoàn chỉnh hệ thống giao thông. Cùng với đó, TP cũng cần xây dựng giải pháp, đặt lộ trình cụ thể về việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Chỉ khi Nhà nước cung ứng hệ thống giao thông công công tiện lợi, phù hợp thì người dân mới không phải “tự thân vận động”, không tiếp tục mua sắm xe máy, ô tô cá nhân, dẫn đến tình trạng ùn ứ diễn ra trên mọi nẻo đường như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục