Trong các số chuyên đề trước, Báo SGGP đã đề cập đến chương trình phát triển xe buýt sạch của TPHCM. Đây là một chương trình rất thiết thực để góp phần giảm thiểu ô nhiễm, chống biến đổi khí hậu. Có nhiều thuận lợi, song chương trình cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức cho phép Công ty Xe khách Sài Gòn được miễn thuế nhập khẩu đối với 21 chiếc xe buýt sử dụng khí CNG mà đơn vị đang có kế hoạch nhập khẩu để thay thế dần số xe buýt đang sử dụng xăng hiện có của công ty. Đây thực sự là tin vui đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng và môi trường thành phố bởi chỉ cần toàn bộ xe buýt của thành phố, ước vào khoảng 3.000 chiếc sử dụng khí CNG để hoạt động thì bầu không khí của thành phố sẽ… sạch hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để điều ấy thành hiện thực thì cũng phải mất một thời gian nữa, nhanh là vài tháng mà chậm thì có thể hàng năm trời.
Trước hết, sau khi được nhập khẩu về, 21 chiếc xe buýt này sẽ phải hoạt động ít nhất khoảng một tháng để các ban ngành chức năng của thành phố có cơ sở tính toán định mức tiêu hao nhiên liệu, trang thiết bị, phụ tùng thay thế… Các số liệu nêu trên sẽ được dùng làm căn cứ cho việc xây dựng định mức trợ giá cho các loại xe buýt này. Có định mức trợ giá mới có cơ sở để phát triển thêm loại hình xe buýt sử dụng khí CNG trên toàn địa bàn thành phố. Thế nhưng, cũng chưa phải đã hết, Công ty Xe khách Sài Gòn là một doanh nghiệp Nhà nước trong khi đó tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng thành phố còn có rất nhiều HTX vận tải. Hai mô hình hoạt động khác nhau chắc chắn phải có hai mô hình hỗ trợ khác nhau. Do đó, nếu muốn phát triển loại hình xe buýt sử dụng khí CNG cho khối HTX, thành phố còn phải giải thêm nhiều bài toán cơ chế nữa.
Tuy nhiên, không phải chỉ có khối vận tải mới đang cần cơ chế, trong hàng loạt lĩnh vực như xây dựng, tiết kiệm năng lượng… cũng đang rất cần những quy định chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp với thực tế để triển khai hoạt động. Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM, cho biết đã từ nhiều năm nay Bộ Xây dựng cùng nhiều bộ ngành liên quan khác luôn vận động doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước khi đầu tư xây dựng nên đầu tư xây dựng các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, nhiều định mức xây dựng hiện nay còn quá thấp so với thực tế nên dù có muốn nhưng các chủ đầu tư (là đơn vị Nhà nước) cũng chẳng thể làm gì được vì chi phí đầu tư cho các công trình tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường thường cao hơn chi phí đầu tư các công trình bình thường tới 20%-30%. Doanh nghiệp tư nhân không bị khống chế bởi các định mức xây dựng của Nhà nước, song nếu như họ tham gia xây dựng tòa nhà tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường mà không có được sự hỗ trợ nào của Nhà nước, chắc chắn rất khó cạnh tranh trên thị trường.
Thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ chính là một trong vướng mắc lớn trong việc triển khai thực hiện các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước nói chung. Trong khả năng của mình, TPHCM đang tìm cách tháo gỡ, vừa làm vừa xin cơ chế, mà việc xin miễn thuế nhập khẩu cho 21 chiếc xe buýt sử dụng khí CNG là một ví dụ. Do đó, cách tốt nhất vẫn là Nhà nước chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để doanh nghiệp và người dân có thể nhiệt tình và chủ động tham gia các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu.
AN NHIÊN