Thiếu cơ chế, ràng buộc chuyển giao công nghệ

Sáng 11-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Một lần nữa, câu chuyện về bồi thường oan sai lại được các ĐBQH đề cập rất thẳng thắn.
Thiếu cơ chế, ràng buộc chuyển giao công nghệ

Sáng 11-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Một lần nữa, câu chuyện về bồi thường oan sai lại được các ĐBQH đề cập rất thẳng thắn.

Thiếu cơ chế, ràng buộc chuyển giao công nghệ ảnh 1

Cần phép thử tin cậy khi tiếp nhận công nghệ

Theo ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM), từ khi đổi mới đến nay, Việt Nam không có chiến lược chuyển giao công nghệ, không có định hình rõ cơ chế, chính sách. Ở những nước đang phát triển, có hai hướng là nhập khẩu công nghệ ở các nước tiên tiến và chuyển giao công nghệ từ trường đại học. Do thời gian qua chúng ta không có chiến lược nên “không biết nhập khẩu gì, có gì làm nấy”. Chúng ta không có khả năng làm chặt chẽ hợp đồng, có “du di” trong khi nguồn chuyển giao công nghệ của khối doanh nghiệp FDI, liên doanh khá lớn.

Chia sẻ kinh nghiệm ở các nước, ĐB Nguyễn Việt Dũng nêu ví dụ: Ở Australia, có doanh nghiệp của họ hợp tác với tập đoàn của Pháp, trong hợp đồng hợp tác họ quy định rất chặt chẽ việc chuyển giao công nghệ, thời gian, lộ trình, nếu không chuyển giao cho doanh nghiệp Australia thì bị phạt ra sao… Từ hợp đồng đó, doanh nghiệp Pháp phải đưa các chuyên gia sang đào tạo cho doanh nghiệp của Australia, vì đến thời hạn mà không đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa sẽ bị phạt.

Vấn đề này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) lo lắng, yếu tố quan trọng để chuyển giao công nghệ là phải có thị trường, dự luật cũng đề cập, nhưng cung - cầu đó phải có sàn giao dịch, các quỹ đầu tư mạo hiểm. ĐB Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) cho rằng, dự thảo quá nhiều từ ngữ mang tính nghị quyết, ít định lượng. Cần chú trọng thu hút những công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với quan điểm xuyên suốt là bảo vệ lợi ích cho người nông dân - đối tượng yếu thế hơn do thiếu thông tin.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng (ĐBQH tỉnh Ninh Thuận), qua thẩm tra dự án Luật Chuyển giao công nghệ, ủy ban cho rằng điều quan trọng là quy định để làm sao Bộ Khoa học - Công nghệ và những người quản lý khoa học công nghệ can thiệp được vào quá trình tiếp nhận công nghệ, đặc biệt là công nghệ từ nước ngoài vào. Formosa nói họ là tập đoàn giàu có, sở hữu công nghệ cao, nhưng nếu quản lý nhà nước và các quy định pháp luật không chặt chẽ thì họ lách ngay, đưa công nghệ không phù hợp vào. Hay như bauxite Tây Nguyên cũng vậy, đối tác cũng nói chúng tôi đưa công nghệ cao vào, nhưng thực tế họ đã đánh tráo công nghệ và trình độ công nghệ ngay từ khái niệm ban đầu.

“Cho nên với luật này, chúng tôi đã nêu rất nhiều vấn đề để Bộ Khoa học và Công nghệ thay mặt Chính phủ sửa đổi” ĐB Phan Xuân Dũng nói. Tuy nhiên, trong dự thảo thì sửa đổi cũng chưa được như mong muốn và hai bên đang ngồi lại để làm sao có luật đáp ứng để nước ngoài không lợi dụng kẽ hở và đưa công nghệ lạc hậu vào.

Đừng để người oan sai đã đau khổ lại thêm mệt mỏi

Chiều 11-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Dự thảo luật quy định, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong 3 lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Cùng với đó, tăng mức bồi thường cho các thiệt hại; bổ sung một số thiệt hại được bồi thường và quy định về việc xác định thiệt hại để góp phần khắc phục những vướng mắc của việc giải quyết các vụ việc bồi thường hiện nay...

Thảo luận về luật này, các ĐB tập trung nói về bồi thường oan sai trong tố tụng hình sự. Đặc biệt, Khoản 3 Điều 4 của dự thảo luật quy định “Nhà nước chỉ bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có yêu cầu bồi thường” bị ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương phản ứng khá gay gắt rằng, nguyên tắc ai gây ra thiệt hại thì phải bồi thường, chứ không phải đợi văn bản của cơ quan cấp trên. Đề nghị bỏ Khoản 3 Điều 4 vì đó không phải là nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng cho rằng, nếu quy định phải có yêu cầu mới bồi thường, không có yêu cầu không bồi thường là thể hiện sự không thực tâm. Cần quy định có oan sai là có xin lỗi, bồi thường, không cần đợi người bị oan có yêu cầu hay không.

Dự thảo luật quy định cơ quan làm oan sai ở giai đoạn cuối cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường, ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng, chỉ có các thẩm phán xử tòa đứng ra chịu trách nhiệm là chưa hết trách nhiệm, mà phải tất cả các cơ quan có liên quan phải chịu trách nhiệm. Đây cũng là quan điểm của ĐB Hoàng Văn Liên (Long An), ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khi cho rằng, làm oan sai là lỗi tổng hợp của cả 3 cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, nên cả 3 cơ quan này phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên sẽ giao cho cơ quan làm oan cuối cùng (là tòa án) chủ trì việc bồi thường oan sai.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị luật cần cấm việc cố tình kéo dài, trì hoãn trách nhiệm bồi thường vì bất cứ lý do nào. ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng đề nghị thời gian thực hiện bồi thường oan sai phải rút ngắn, thực tế các vụ oan sai lớn vừa qua cho thấy, thời gian giải quyết quá lâu, người oan sai đã quá đau khổ lại càng thêm mệt mỏi. “Ví dụ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, tổng thời gian từ khi bắt đầu thương lượng lần thứ nhất đến khi nhận đủ tiền bồi thường là hơn 1 năm. Ông Huỳnh Văn Nén từ khi bắt đầu nộp đơn yêu cầu bồi thường đến nay là 7 tháng, vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết. Đặc biệt vụ ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, tổng thời gian giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường là 6 năm, 9 năm tiếp theo là thủ tục tại Tòa án và nhận tiền. Theo quy định của dự thảo luật, thời hạn giải quyết bồi thường đã giảm từ 125 ngày xuống còn hơn 50 ngày. Đây là sự cải tiến rất lớn, nhưng cần tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa để người bị oan sớm nhận được tiền bồi thường. Nếu được thì tối đa 50 ngày, mọi thủ tục cơ bản phải xong” - ĐB Mai Thị Phương Hoa đề nghị.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục