(SGGP).– Chiều 18-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công và dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Ủng hộ mạnh mẽ việc ban hành Luật Đầu tư công, song đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, Quốc hội còn “nợ” Luật Quản lý kinh doanh tài sản nhà nước để kiểm soát khoản tiền đầu tư vào các doanh nghiệp (DN) nhà nước. Vì theo ông, chỉ có một Luật Đầu tư công như Chính phủ vừa trình là chưa đủ, cần xây dựng song hành để bao quát hết việc sử dụng tiền thuế của nhân dân. “Tại sao chúng ta đầu tư công vẫn lôm côm, lãng phí thế này? Rất đơn giản - xin nói thẳng là cơ quan dân cử không thể kiểm soát được đầu tư” - ông Trần Du Lịch nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên (ĐBQH Sóc Trăng) cũng cho rằng, cái mới nhất của Luật Đầu tư công, cũng là nguyên nhân chính yếu buộc phải ban hành luật là quy định về việc hình thành chủ trương, ra quyết định đầu tư. Đây là khâu mà từ trước đến nay đang bị “bỏ trống”. Tuy nhiên, để tạo ra môi trường triển khai thi hành Luật Đầu tư công được thuận lợi, hiệu quả thì cần có thêm nhiều công cụ pháp lý khác. Đồng tình với quan điểm luật phải điều chỉnh tất cả các nguồn vốn nhà nước, kể cả ngân sách trung ương hay địa phương, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) xót xa: “Đầu tư công vừa qua rất lãng phí, có tội với nhân dân, bởi đó là tiền đóng thuế của nhân dân, tiền từ tài nguyên đất nước. Nguyên tắc đầu tư công phải nêu rõ có hiệu quả, đúng mục đích, tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng”. ĐB Võ Thị Dung đề nghị luật phải có chế tài nghiêm minh đối với hành vi gây lãng phí đầu tư công. Thẳng thắn nhận xét dự án Luật Đầu tư công được soạn thảo “hơi vội vã”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) góp ý: “Còn nhiều khoảng trống về chế tài. Điều 55 quy định “các chương trình đầu tư công chịu sự giám sát của cộng đồng”, vậy ai là cộng đồng”? - ông Trương Trọng Nghĩa băn khoăn.
Đối với dự án Luật Phá sản (sửa đổi), các ĐBQH đã dành tới hơn 30 phút để góp ý. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhận xét, luật đã được chuẩn bị công phu, có nhiều điểm tiến bộ; đặc biệt là không chỉ tạo điều kiện để thực hiện được thủ tục phá sản, mà còn mở ra hành lang pháp lý, cơ hội cho những DN có khả năng hồi sinh sau khi phá sản. Việc quy định “nợ 200 triệu đồng trở lên trong 3 tháng không trả được” là điều kiện khởi kiện phá sản cũng chưa thuyết phục. Đáng lưu ý, các ĐBQH cũng bày tỏ quan tâm đến những quy định về quản tài viên, một chế định mới trong dự luật. ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng: “Quản tài viên phải là một chế định rất chặt chẽ, phải là một tổ chức pháp nhân”. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM), cần có tiêu chí để cấp chứng chỉ hành nghề này vì việc xử lý một vụ phá sản đòi hỏi có trình độ chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực tài chính, tài sản… và phải có kinh nghiệm ít nhất 5 năm.
Báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri
Chưa “trúng” vấn đề cử tri kiến nghị
(SGGP).– Trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 (tháng 6-2013) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa được gửi đến các ĐBQH.
Báo cáo ghi nhận nhiều kết quả, nỗ lực của các cơ quan chức năng; cho dù việc trả lời của các bộ, ngành vẫn còn chung chung, chưa gắn với trách nhiệm cụ thể, chưa đi thẳng vào vấn đề mà cử tri kiến nghị. Đáng lưu ý, nhiều bộ, ngành đã không gửi văn bản phúc đáp cho cơ quan thường trực của Quốc hội để báo cáo về vấn đề này khi được yêu cầu. Báo cáo giám sát cho hay, với gần 300 kiến nghị từ kỳ họp thứ 4, song đến nay, ngay cả với những kiến nghị đã được giải quyết, các bộ, ngành cũng không gửi văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhiều kiến nghị tập trung vào vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian qua, Thủ tướng đã phê duyệt 17/21 đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và quyết định dừng thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế đối với 3 tập đoàn, chuyển đổi tương ứng thành các tổng công ty. Các bộ cũng đã hoàn thành phê duyệt 31 đề án tái cơ cấu các tổng công ty trực thuộc.
Với tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu, Chính phủ, Thủ tướng đã tăng cường chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tổ chức lại hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu được khái quát là mới đạt kết quả bước đầu, chưa bền vững. Vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng vẫn chưa giải quyết được căn bản. Liên quan đến quản lý thị trường vàng, báo cáo giám sát cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ. Đến nay, thị trường vàng miếng đã có chuyển biến tích cực, không để xảy ra hiện tượng “sốt vàng”.
Liên quan đến những kiến nghị về bảo đảm an toàn đập thủy điện - nội dung được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần qua các kỳ họp - Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, đề ra nhiều giải pháp trữ nước và vận hành xả nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, nước cho sản xuất vừa bảo đảm an toàn các đập thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực tế chưa được thường xuyên, một số nơi thực hiện các quy định để bảo đảm an toàn đập còn hình thức, chiếu lệ. Chưa có cơ quan điều phối chung giữa các chủ đập đối với các hồ chứa trên cùng lưu vực khi tham gia xả lũ...
Liên quan đến lĩnh vực y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, vấn đề giảm tải bệnh viện, quản lý giá thuốc, bảo hiểm y tế đã được Bộ Y tế quan tâm, triển khai thực hiện tích cực. Song y đức trong một số bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ngoài ra, giá thuốc qua đấu thầu còn có sự chênh lệch giữa các địa phương, giữa các bệnh viện và giữa bệnh viện với thị trường bên ngoài, nhất là chưa quy định rõ tiêu chuẩn, độ tinh khiết của nguyên liệu sản xuất thuốc, dẫn đến một số loại thuốc có chất lượng không cao, nhưng giá rẻ đã trúng thầu. Tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến Trung ương vẫn chưa được khắc phục căn cơ; công tác quản lý việc hành nghề y, dược tư nhân vẫn còn nhiều bất cập…
ANH THƯ