Thiếu giáo viên giáo dục đặc biệt

Hiện nay, việc đào tạo giáo viên chuyên ngành Giáo dục đặc biệt (GDĐB) trình độ ĐH-CĐ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cả về lượng và chất. Đáng nói hơn khi lượng thí sinh thi vào ngành này ngày càng ít, trong khi số sinh viên tốt nghiệp bỏ nghề có xu hướng gia tăng. PV Báo SGGP đã trao đổi với TS Lê Thị Minh Hà, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm TPHCM về vấn đề này. TS Hà cho biết:

Hiện nay, việc đào tạo giáo viên chuyên ngành Giáo dục đặc biệt (GDĐB) trình độ ĐH-CĐ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cả về lượng và chất. Đáng nói hơn khi lượng thí sinh thi vào ngành này ngày càng ít, trong khi số sinh viên tốt nghiệp bỏ nghề có xu hướng gia tăng. PV Báo SGGP đã trao đổi với TS Lê Thị Minh Hà, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm TPHCM về vấn đề này. TS Hà cho biết:

Tính từ ngày thành lập đến nay, Khoa GDĐB của Trường ĐH  Sư phạm TPHCM đã đào tạo được 7 khóa cử nhân GDĐB, đã có khoảng 110 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này. Song song với đào tạo hệ chính quy, khoa đã và đang tổ chức 5 khóa đào tạo hệ không chính quy từ năm 2006 đến nay.

Nhìn chung nguồn giáo viên vẫn rất thiếu so với nhu cầu thực tế.  Lượng thí sinh đăng ký dự thi vào khoa rất ít, (dưới 100), thậm chí mỗi năm số lượng này giảm dần. Trong khi đó, nhu cầu giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành GDĐB là rất lớn. Hiện cả nước có trên 100 cơ sở dạy trẻ khuyết tật, chỉ tính riêng tại TPHCM đã có gần 30 trường chuyên biệt kể cả công lập và ngoài công lập. Các trường này đều rất “khát” giáo viên GDĐB.

Tại sao xã hội cần nhưng thí sinh lại không mặn mà với ngành học này?

TS LÊ THỊ MINH HÀ: Một trong những nguyên nhân quan trọng là GDĐB chưa có mã nghề cho giáo viên, dẫn đến việc nhiều đơn vị không thể tuyển vào biên chế, gặp khó khăn trong khâu chi trả lương. Ngoài ra, lương thấp cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng này. Hiện nay, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành GDĐB nếu về dạy trường chuyên biệt mới có ngạch lương riêng, còn ở các trường khác thì không. Trường nào muốn nhận họ phải tự trích quỹ trả lương. Do đó, chỉ một số trường có điều kiện mới dám nhận. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp phải rẽ sang trường tư, thậm chí nhiều sinh viên bỏ nghề.

Theo bà, giáo viên GDĐB còn thiếu những kiến thức và kỹ năng nào?

TS LÊ THỊ MINH HÀ: Hiện nay, tự kỷ đang ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng trong GDĐB, bởi trong những năm gần đây, số ca chẩn đoán tự kỷ ngày càng tăng. Ước tính, cứ 10 trẻ sinh ra, sẽ có 1 trẻ bị tự kỷ. Đây là một thách thức rất lớn đối với xã hội nói chung và ngành GDĐB nói riêng, vì hiện nay chương trình đào tạo giáo viên GDĐB có trình độ cử nhân ĐH gồm 210 đơn vị học trình nhưng chỉ có 3 đơn vị học trình (45 tiết) dạy cho sinh viên về phương pháp dạy trẻ tự kỷ và không có chương trình đào tạo giáo viên chuyên ngành tự kỷ.

Hơn nữa, số lượng giảng viên có kinh nghiệm về dạy trẻ tự kỷ còn rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy trẻ khuyết tật chưa được đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu đi học ngày càng tăng của trẻ. Phần lớn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp chưa được bồi dưỡng kiến thức về giáo dục trẻ khuyết tật và quản lý chuyên môn trong trường chuyên biệt hoặc hòa nhập.

Hiện nay, nhiều trường chuyên biệt không có bác sĩ chuyên trách công tác này mà giáo viên phải làm thay công tác đánh giá trẻ, trong khi giáo viên chưa có nhiều kỹ năng đánh giá để biết mức độ phát triển của trẻ.

NGUYỄN THỦY (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục