Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, có được việc làm bền vững là mong mỏi của người lao động. Tạo ra việc làm bền vững để cải thiện năng suất lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống cũng là thước đo toàn diện đối với các chính sách về lao động việc làm. Thế nhưng, hiện tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa mục tiêu việc làm bền vững và thực tiễn, đó là sự thiếu hụt việc làm bền vững.
Báo động chất lượng nhân lực
Việc làm bền vững là khái niệm mới được đưa ra trong thời gian gần đây. Khía cạnh bền vững của việc làm bền vững là mục đích không chỉ tạo ra công ăn việc làm, mà việc làm phải đạt chuẩn mực có thể chấp nhận; số lượng việc làm không thể tách rời chất lượng công việc – được trả lương cao hơn, môi trường làm việc an toàn hơn…
Ở nước ta, tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2%, bởi đặc thù riêng của Việt Nam so với các nước khác là… ai cũng phải xoay xở làm bất cứ việc gì để mưu sinh. “Tuy hầu hết mọi người đều làm việc nhưng không phải ai cũng có việc làm bền vững”, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hà, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhận xét. Chất lượng việc làm lại là vấn đề báo động. Không kể lao động nông nghiệp (chiếm hơn 47% tổng việc làm), việc làm không chính thức đang tăng lên, từ gần 36% năm 2011 lên gần 37% vào năm 2012 và chưa có dấu hiệu đảo chiều khi số doanh nghiệp “chết” hoặc sống dặt dẹo nhiều. Hơn 77% lao động làm việc trong khu vực kinh tế cá thể, ngoại trừ hộ gia đình làm nông nghiệp, còn lại chủ yếu là buôn thúng bán bưng, xe ôm… cho thu nhập thấp, công việc bấp bênh, điều kiện lao động không đảm bảo. Hơn 65% lao động đang làm việc trong nền kinh tế không có quan hệ lao động (thông qua hợp đồng lao động). Thu nhập và năng suất lao động rất thấp, chỉ bằng 30% - 50% so với các nước trong khu vực. Nhiều người lao động phải làm việc trong điều kiện công việc nặng nề, với sản lượng và thu nhập thấp, bấp bênh. Vấn đề nhức nhối chưa có lời giải thỏa đáng là lương tối thiểu đến nay vẫn chỉ đáp ứng khoảng 60% mức sống tối thiểu của người lao động. Tình cảnh ấy lại đặt thêm sức nặng cho bài toán an sinh xã hội bởi người lao động phải vắt kiệt sức mưu sinh, không có tích lũy cho tương lai.
Theo mức tăng trưởng dân số, dự kiến đến năm 2020, trung bình mỗi năm nước ta có thêm 700.000 lao động, gây sức ép về việc làm và tạo việc làm cho người lao động. Một thách thức không nhỏ nữa về chất lượng nguồn nhân lực, khi hiện tại 58% lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Người lao động làm nhiều năm nhưng chỉ bằng sức lực, kinh nghiệm chứ chưa chú trọng làm việc bằng kỹ năng vốn có được qua đào tạo bài bản. Trong khi đó, độ bao phủ của BHXH mới đạt khoảng 20% tổng số lao động. Người dịch chuyển từ nông thôn ra TP chưa được hỗ trợ; khu vực lao động không chính thức gần như không được hỗ trợ hội nhập thị trường lao động…
Còn nhiều... ẩn số
Sau 1 năm tiếp cận và thực hiện chương trình về việc làm bền vững (giai đoạn 2012-2016), đến nay công tác quản lý, các chỉ tiêu, thông tin về lao động việc làm vẫn lạc lõng, thiếu sót với thực tế. “Các chỉ tiêu và thông tin về lao động việc làm chưa phản ánh những vấn đề “nóng” của nền kinh tế”, PGS-TS. Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTB-XH) đánh giá. Theo PGS-TS Nguyễn Bá Ngọc, trong khi doanh nghiệp “chết” hàng loạt nhưng cơ quan quản lý lại không nắm rõ bao nhiêu người mất việc do doanh nghiệp giải thể, hoạt động cầm chừng; không biết có bao nhiêu người chuyển dịch từ khu vực chính thức sang làm việc không chính thức, bấp bênh; nhận định giảm sút tiền lương ở một số ngành nghề chỉ là con số chung chung chứ chưa phân tích cặn kẽ nguyên nhân do đâu; nhu cầu lao động của các ngành nghề ưu tiên, số việc làm trống ở một số ngành không có, cứ cần đến đâu tuyển đến đó… Thậm chí, ngay cả số liệu người tìm được việc làm qua hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm cũng chưa có.
Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp không cao (chỉ 2%) nhưng thất nghiệp trá hình - thiếu việc làm, làm việc không đúng chuyên môn, lại rất lớn mà chưa được nhận diện. Bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc giải quyết chính sách khi chấm dứt quan hệ lao động, chưa có các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp duy trì việc làm tốt, hỗ trợ người lao động trong các doanh nghiệp khi gặp các khó khăn đặc biệt (suy giảm kinh tế, tái cơ cấu DN trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế…). Trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh phi chính thức có được môi trường kinh doanh thuận lợi hơn để thúc đẩy việc làm bền vững và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và lao động chuyển đổi sang khu vực kinh tế chính thức cũng còn nhiều lỗ hổng.
| |
ĐƯỜNG LOAN