Dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng, lo lắng trước việc một cô gái gây ra án mạng chỉ từ một vụ va quẹt xe tại vòng xoay Dân Chủ (quận 3, TPHCM) tối 24-10-2015 vừa qua. Những năm gần đây đã có không ít vụ án mạng chỉ vì những nguyên nhân thật lãng xẹt, như cho là bị người khác nhìn “đểu”, chỉ vì va quẹt nhẹ, chỉ vì hơn thua nhau lời nói trong tiệc nhậu… rồi không ai nhịn ai.
Nguyên nhân dẫn đến thói hung hăng đó trước hết là do những áp lực trong cuộc sống, khó tìm ra lối thoát, từ đó sự hành xử của con người cũng mang nhiều dấu ấn bạo lực hơn là tính nhân văn. Ở một xã hội lạc hậu thì tính dã man, sự tùy tiện trong việc chấp hành kỷ luật sẽ nhiều hơn. Do thiết chế chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật, kỷ cương xã hội. Đặc biệt là việc giáo dục tính nhân văn đang bị khiếm khuyết từ nhà trường đến xã hội, công tác giáo dục về pháp luật và tôn trọng pháp luật trong môi trường giáo dục hiện nay đang bị xem nhẹ. Hơn thế nữa, vai trò của truyền thông chưa thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục. Lẽ ra truyền thông phải là tiếng chuông cảnh báo cho nhà điều hành xã hội để đưa ra những chính sách hữu hiệu ổn định xã hội, thế nhưng nhiều báo đài hiện nay chạy theo mục đích thương mại, giải trí, ít đề cập những câu chuyện mang tính giáo dục nhân văn.
Ngoài ra, trong xã hội hiện nay có vẻ như cái tôi được đề cao quá mức, lợi ích cá nhân ích kỷ đang dần thống trị đời sống của một bộ phận người Việt. Một khi cái tôi của mỗi cá nhân được đẩy lên theo chiều hướng tiêu cực, sẽ dẫn đến cách hành xử cực đoan, cảm thấy không thể chịu đựng được khi người khác có hành vi coi là xúc phạm đến mình. Bên cạnh đó, sự bàng quan, thờ ơ, vô cảm của những người xung quanh trước những tiêu cực, bất công của xã hội cũng khiến tâm lý con người trở nên ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.
Để hạn chế được thói hung hăng ở mỗi người, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ về giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình cần phải thường xuyên giáo dục cho con cái về truyền thống gia đình, nhất là lòng nhân ái, bao dung, độ lượng giữa con người với con người. Nhà trường phải chú trọng hơn nữa việc dạy đạo đức nhân văn của người Việt. Truyền thông nên tích cực đưa những câu chuyện về lòng nhân ái, tính nhân văn làm gương sáng cho giới trẻ học tập. Bên cạnh đó, phụ huynh cần chú ý rèn luyện cho lớp trẻ các kỹ năng sống cần thiết. Trước hết là kỹ năng kiềm chế nhận thức, khi xảy ra va chạm, mâu thuẫn thì mỗi người biết bình tĩnh để phân định đúng sai, phải trái. Người sai phải biết nhận lỗi, người đúng nên tỏ ra thông cảm, như vậy sẽ hiếm khi có chuyện xảy ra xung đột.
Truyền thống người Việt vốn trọng nghĩa tình, cả trăm cái lý không bằng tí cái tình là vậy. Mỗi người nên bớt phần hiếu thắng. Hãy nghĩ rằng mình lùi một bước, chịu thua thiệt một chút thì mọi chuyện sẽ được giải quyết. Chính vì thiếu kỹ năng cân bằng cảm xúc đã dẫn đến tính hung hăng, hành động dã man, không làm chủ được thái độ của mình. Khi lòng tự ái, tâm lý hiếu thắng lên ngôi, rất dễ đi đến bạo lực. Do vậy, khi va chạm hay xảy ra mâu thuẫn nhỏ, nếu như mỗi người biết thông cảm, chia sẻ, biết dung hòa trong quan hệ thì không có chuyện cự cãi, tranh giành dẫn đến xung đột, bạo lực. Vì thế, chúng ta nên biết cân bằng cảm xúc trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, lấy tình thương, trách nhiệm và lòng vị tha để thay thế cho sự tức giận, bốc đồng. Được như vậy thì nhất định mọi việc sẽ được giải quyết theo hướng tích cực. Có những người trẻ mỗi lần va chạm, mâu thuẫn với ai là dùng bạo lực để giải quyết như gậy, dao… gây thương tích cho người khác, thậm chí gây án mạng. Nếu như mỗi người ý thức được hành vi này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, đồng thời khắc phục nó bằng cách rèn luyện thói quen ứng xử của lý trí và tình cảm phù hợp, thì ít khi xảy ra những hành động mang tính bạo lực.
Mỗi người hãy biết nhường và nhịn một chút thì sẽ giảm bớt được tính hung hăng và hành vi bạo lực.
NGUYỄN VĂN CÔNG