Thiếu nhạc trưởng cho kinh tế biển

Sở hữu 3.260km bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo, bờ biển cát vàng tuyệt đẹp và vùng biển rộng hơn 1 triệu km², Việt Nam cũng được xem như “cường quốc về biển, đảo”. Tuy nhiên, kinh tế biển - đảo ở nước ta chưa phát triển đúng với tiềm năng khi thiếu một “nhạc trưởng”…
Thiếu nhạc trưởng cho kinh tế biển

Sở hữu 3.260km bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo, bờ biển cát vàng tuyệt đẹp và vùng biển rộng hơn 1 triệu km², Việt Nam cũng được xem như “cường quốc về biển, đảo”. Tuy nhiên, kinh tế biển - đảo ở nước ta chưa phát triển đúng với tiềm năng khi thiếu một “nhạc trưởng”…

  • Tiềm năng phát triển

Dọc bờ biển Việt Nam có 29 tỉnh, thành phố với 100 cảng biển, 238.000 cụm công nghiệp và gần 1.000 bến cá… Tính riêng năm 2007, kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp khoảng 49% GDP cả nước, trong đó riêng kinh tế biển chiếm khoảng 22%.

Theo TS Nguyễn Đăng Đạo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT), Việt Nam có diện tích biển gấp 3 lần so với diện tích đất liền - gấp 6 lần tỷ lệ của thế giới - nên có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển.

Đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp hoang sơ. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp hoang sơ. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Riêng tại các tỉnh duyên hải miền Trung có nhiều bờ biển đẹp, trong đó biển Đà Nẵng được bầu chọn là 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Cách biển Đà Nẵng khoảng 20 hải lý về hướng Đông Nam, đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đã trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới với đa dạng sinh học phong phú. Cách Đà Nẵng khoảng 40km về hướng Bắc có thêm một bờ biển Lăng Cô mang đẳng cấp quốc tế.

Sự dày đặc của bãi biển đẹp, nhất là kết hợp giữa biển Đà Nẵng – Di sản văn hóa thế giới Hội An – Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm đã làm nên tour du lịch lý tưởng hiếm có trên thế giới. Chính vì thế, xuyên suốt từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, Trung ương đã xác định chiến lược và tổ chức phát triển mạnh mẽ vùng kinh tế biển – đảo. Và, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có tiềm năng mạnh lên từ biển, làm giàu nhờ biển.

  • Phát triển cục bộ

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) có được như hôm nay là nhờ chính quyền và người dân biết khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị theo hướng bền vững. Khi chưa có “danh phận”, người dân Cù Lao Chàm là nơi đi tiên phong trên cả nước để thực hiện “đảo không có túi ni lông”, đi chợ, mua mớ cá, mớ rau đều được gói trong túi giấy hoặc lá chuối, lá sen.

Chính quyền Hội An kiên quyết cấm ngư dân dùng lưới cản, lưới vây khai thác tại khu vực đảo để khỏi ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nhất là hệ san hô đa dạng và phong phú nơi đây. Cũng trong thời điểm đó, Hội An cấm người dân khai thác cua đá – sản vật của Cù Lao Chàm – để bảo tồn giống cua quý hiếm này. Tất cả đã làm nên một khu bảo tồn sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, một thiên đường du lịch như hôm nay.

Người dân xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã ý thức bảo vệ sinh thái vịnh Hòn La như bảo vệ tài sản của gia đình mình. Lão ngư Phạm Văn Quế cho biết: “Dân địa phương đánh bắt mỗi năm chừng 7 tháng, 3 tháng còn lại không ra biển. Trong 3 tháng nghỉ biển này, cá trong vịnh Hòn La có thời gian sinh đẻ, trưởng thành để dân bắt tiếp mùa sau”.

Ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, nói: “Cách giữ gìn hải sản của người Quảng Đông tạo cơ hội các mùa đánh bắt tương lai. Chính nhờ đó, UBND tỉnh Quảng Bình đang lập hồ sơ trình Chính phủ xem xét công nhận khu bảo tồn biển Hòn La một cách bền vững”.

Ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay, sau 2 năm được công nhận là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, Lăng Cô - Phú Lộc tiếp nhận lượng khách tăng 20%-25%/năm, doanh thu từ du lịch đạt 12,5%/năm. Tuy nhiên, địa phương đang gặp “eo” trong việc phát triển du lịch với các hoạt động kinh tế biển như: nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, vận tải và cảng biển... Với tốc độ đô thị hóa, du lịch phát triển, đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản đang đặt ra nhiều vấn đề về sự quá tải trong quản lý và biện pháp xử lý. Tỉnh và các cấp chức năng khá thận trọng trong việc phê duyệt, cấp phép cho các dự án đầu tư vào khu vực này và cố gắng đưa các hoạt động kinh tế vào một tổng thể chung với dự án quản lý tổng hợp phát triển bền vững khu vực Lăng Cô.

Còn theo ông Lê Quang Lanh, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ: Đảo là kỳ quan thiên nhiên độc đáo có chu vi 8km, độ cao 5 - 30m so với mặt nước biển. Hệ thực vật, động vật trên đảo phong phú, quý hiếm. Đảo nhỏ nhưng rừng, đồi tranh chiếm 3/4 diện tích. Hiện rừng nguyên sinh đảo Cồn Cỏ đang được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Từng bị bom đạn cày xới không thương tiếc trong kháng chiến chống Mỹ, nay Cồn Cỏ đã có rất nhiều ngôi nhà khang trang, có sân chơi thể thao, giao thông, bến đậu - âu thuyền... Theo quy hoạch, đến năm 2020 phát triển huyện đảo Cồn Cỏ thành đảo du lịch với kinh phí 986 tỷ đồng. Trước mắt, phát triển tuyến vận tải biển từ Cửa Việt, Cửa Tùng ra Cồn Cỏ với 2 tàu cao tốc có sức chở 50-80 khách/tàu; nâng cấp nguồn điện trên đảo lên 280kVA; dự án cấp nước ngọt 50m³/ngày...

  • Thiếu liên kết vùng

Mặc dù địa phương nào cũng ý thức khai thác bền vững nhưng cũng chỉ mang tính “địa phương chủ nghĩa”, thiếu liên kết giữa các địa phương, liên kết giữa các bộ ngành kinh tế, chưa có quy hoạch bài bản để xứng tầm với tiềm năng, lợi thế.

Ví như ở Nghệ An có 2 đảo rất đẹp là đảo Ngư và đảo Mắt, tuy nhiên, cho đến nay việc khai thác du lịch tuyến biển đảo này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu vẫn do người dân tự phát. Vì chưa được quy hoạch khai thác nên tuyến đường thủy từ đất liền ra đảo Ngư (hay còn gọi đảo Song Ngư) vẫn chưa có tàu du lịch, mặc dù đảo chỉ nằm cách đất liền khoảng 5,7km.

Trước sức hấp dẫn của đảo Song Ngư, khi du khách có nhu cầu, các khách sạn tại thị xã Cửa Lò sẽ tự tổ chức tour rồi thuê tàu của ngư dân đưa khách ra thăm đảo. Ngoài ra, một số tàu đánh cá cũng… sẵn sàng chuyển sang đi tour khi khách yêu cầu. Việc làm tự phát này không chỉ làm “hoang phí” mất một tuyến du lịch mà còn tiềm ẩn hiểm họa.

Theo TS Nguyễn Đăng Đạo, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt về tài nguyên và môi trường biển, về sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Nếu so sánh với số nước có biển trong khu vực thì quy mô kinh tế biển Việt Nam chỉ đạt khoảng hơn 10 tỷ USD, trong khi sản lượng kinh tế biển của thế giới ước tính 1.300 tỷ USD, Nhật Bản 468 tỷ USD, Hàn Quốc 33 tỷ USD. Kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo của Việt Nam còn yếu kém, lạc hậu. Các chỉ tiêu hàng thông qua cảng trên đầu người rất thấp so với các nước trong khu vực.

Do vậy, Việt Nam cần xây dựng một quy hoạch kinh tế biển - đảo mang tầm chiến lược, hiện nền kinh tế này vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng” và những việc làm lẻ mẻ đậm tính địa phương không đủ tầm để đánh thức “giấc ngủ” đó. Kinh tế biển - đảo cần có một “nhạc trưởng” tầm cỡ liên ngành - địa phương mạnh để hội tụ trí tuệ, sức mạnh, sự tinh tế... làm nên “bản giao hưởng” biển - đảo Việt Nam giàu, mạnh và vững chắc. 

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục