(SGGPO).- Sáng nay 18-9, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO)” đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về nội dung này. Ông Giàu cho biết, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan; tổ chức giám sát tại 2 bộ, ngành; 8 tỉnh, thành phố và 15 doanh nghiệp, đơn vị.
Thận trọng với rủi ro kinh tế và bất bình đẳng xã hội
Nhìn chung, Đoàn Giám sát nhận định, quá trình hội nhập KTQT của Việt Nam kể từ khi gia nhập WTO đến nay cho thấy, gia nhập WTO là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc gia nhập WTO góp phần phát huy nội lực, lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh giữa các vùng, các lĩnh vực và thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường nước ngoài kết hợp với khai thác tốt hơn thị trường trong nước. Đồng thời tính chủ động, sức cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm được nâng cao, góp phần thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, kết hợp với những lợi thế của hội nhập KTQT để phát triển kinh tế trong nước tăng trưởng nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập KTQT cũng đã giúp nhận thức rõ hơn về những yếu kém, bất cập của nền kinh tế trong nước. “Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng làm tăng khả năng của các rủi ro kinh tế và bất bình đẳng xã hội. Nhà nước cần lường trước các rủi ro và chú ý đến các đối tượng yếu thế trong xã hội”, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi các cam kết WTO và hội nhập KTQT nói chung từ năm 2007 đến nay cho thấy một số hạn chế, bất cập cần quan tâm. Thể chế pháp luật kinh tế ngày càng hoàn thiện nhưng chất lượng và hiệu lực thực thi chưa cao. Một số dự án luật quan trọng để thực hiện cam kết chậm được ban hành, có dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XII nhưng sau đó phải điều chỉnh, chuyển sang Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ khóa XIII như Luật xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật du lịch (sửa đổi)…
Đáng lưu ý, hệ thống quy định pháp luật để bảo vệ thị trường nội địa, doanh nghiệp trong nước chậm hình thành, từ các quy định về chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật, chống chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại… cho đến tăng cường năng lực chuyên môn các cơ quan tư pháp, trọng tài quốc tế trong các tranh chấp quốc tế liên quan đến hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam. Chính sách kinh tế chưa đủ mạnh để tận dụng cơ hội do hội nhập KTQT mang lại, nhất là chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Cải cách hành chính chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển kinh tế. Chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm cải thiện. Chưa chủ động đề ra giải pháp hạn chế mặt trái của quá trình hội nhập đối với lĩnh vực xã hội, văn hóa và môi trường.
Tăng cường năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp độ
Tập trung hoàn thành tái cơ cấu kinh tế là đề xuất quan trọng đầu tiên của Đoàn giám sát, nhằm tiếp tục tận dụng tốt các cơ hội phát triển do hội nhập KTQT đem lại, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực.
Bên cạnh đó là nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật kinh tế để thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập KTQT; tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu lực của hệ thống chính sách, pháp luật; tiếp tục phát triển đồng bộ các thị trường; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng; phát triển mạnh thị trường xuất khẩu và hoàn thiện cơ chế quản lý xuất, nhập khẩu, triển khai các công cụ quản lý xuất, nhập khẩu mới phù hợp với yêu cầu hội nhập.
Vẫn theo ông Nguyễn Văn Giàu, các giải pháp không kém phần quan trọng khác bao gồm tăng năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm; hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chính sách phù hợp, bảo đảm an sinh xã hội trước những tác động không thuận của hội nhập KTQT…
Nhiều đầu việc cụ thể cũng đã được đề xuất bao gồm: tăng cường đàm phán với các thành viên WTO để Việt Nam sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường vào cuối năm 2018; trình Quốc hội thông qua các dự án Luật Thuế tài sản, Luật về khu kinh tế, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý ngoại thương, Luật về hiệp hội ngành nghề, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, bên cạnh các chỉ tiêu về kinh tế, cần chú trọng các chỉ tiêu về khoa học, công nghệ, môi trường và xã hội để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập KTQT sâu rộng. Sớm nghiên cứu để áp dụng một số chỉ tiêu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, môi trường như nhóm chỉ số về đổi mới khoa học, công nghệ; tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ; tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp; tổng sản phẩm trong nước xanh (GDP xanh). Ban hành thống nhất chỉ tiêu tỷ lệ lao động đã qua đào tạo phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế ngay từ đầu năm 2016.
Thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối tác, đồng thời có biện pháp cụ thể để tận dụng tốt quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế… Đó cũng là một biện pháp cần thực hiện, Trưởng Đoàn Giám sát lưu ý.
| |
ANH PHƯƠNG