Thiếu sân chơi, yếu sức hút

Thiếu sân chơi, yếu sức hút

Bên cạnh việc đầu tư nâng cao cuộc sống vật chất, đẩy mạnh giáo dục, bồi đắp trình độ kiến thức cho thanh niên, hiện nay việc chăm lo, cải thiện đời sống tinh thần cho thanh niên, nhất là các huyện ngoại thành đang bị bỏ ngỏ. Thực tế này không chỉ phần nào kiềm hãm sự phát triển của thanh niên, mà còn vô tình “buông tay” để một bộ phận giới trẻ TPHCM sa vào những mảng tối của xã hội.

Chưa đáp ứng 50% nhu cầu

Tuyến đường số 13 ở khu dân cư Phong Phú (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) được láng nhựa hơn 4 năm nay. Cứ chiều đến, con đường lại kiêm thêm chức năng là sân bóng của thanh niên. Tầm 16 đến 18 giờ mỗi ngày, hàng chục thanh niên ấp 5 và các ấp lân cận của xã Bình Hưng lại tựu về đây đá bóng. Nhiều hôm, số lượng thanh niên đến đây chơi bóng, đánh cầu lông lên đến cả trăm, chiếm gần hết lối lưu thông, mặc cho xe cộ liên tục lao nhanh qua lại.

Nguy hiểm vậy nhưng các thanh niên trong ấp cho biết, ngoài “sân bóng bê tông” này chẳng còn sân bóng nào khác. Các sân bóng miễn phí do địa phương xây dựng trong Trung tâm Thể dục thể thao huyện nằm cách xa đến gần chục kilômét, khó đi lại. Trong khi đó, xã thì không có nhà văn hóa, nếu thuê sân cỏ nhân tạo tư nhân hơn 200.000 đồng/giờ, với thanh thiếu niên ngoại thành thì càng không thể. “Hai năm trước, Đoàn Thanh niên xã có cải tạo, đổ cát tại khu đất trống bên hông đường số 1 và số 8 ở KDC Phong Phú làm sân vận động tạm để thanh niên trong xã có chỗ vui chơi. Thế nhưng, sân này hình thành chưa lâu, không ai quản lý nên đêm đến con nghiện vào hút chích, vứt kiêm tiêm tràn lan, giờ không bạn trẻ nào dám đến…”, Châu Thanh, nhà trong KDC Phong Phú, chia sẻ.

Thiếu sân chơi tập trung, thanh thiếu niên ở phường 6, quận 5 thường xuyên ra bãi cỏ xanh giữa các làn đường trên đường Võ Văn Kiệt để đá bóng.

Thiếu sân chơi tập trung, thanh thiếu niên ở phường 6, quận 5 thường xuyên ra bãi cỏ xanh giữa các làn đường trên đường Võ Văn Kiệt để đá bóng.

Ngoài xã Phong Phú, các xã còn lại của huyện Bình Chánh cũng trong tình trạng tương tự. Theo Huyện đoàn Bình Chánh, hiện nay trên địa bàn huyện có Trung tâm TDTT huyện và 3 sân chơi tập trung gồm Công viên Gia Hòa, Công viên Văn hóa Bình Chánh và Láng Le, với các loại hình vui chơi: đá bóng, bóng chuyền, cầu lông, thể dục dụng cụ, sinh hoạt dã ngoại… nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 55% trên tổng số 120.000 thanh niên của huyện. Không chỉ sân chơi cho thanh niên, ở huyện Bình Chánh, sân chơi cho thiếu niên, thiếu nhi cũng thiếu nghiêm trọng. Huyện không có nhà thiếu nhi, trong 16 xã - thị trấn của huyện chỉ mỗi xã Bình Chánh là có nhà văn hóa. Còn tại huyện Cần Giờ, hơn 23.000 thanh niên cũng đang “khát” sân chơi.

Ngoài các sân chơi truyền thống như: đờn ca tài tử, đá bóng, vẽ mỹ thuật ở các khu vui chơi tập trung (Trung tâm TDTT huyện, các nhà văn hóa xã), hiện nay ở Cần Giờ gần như không có các sân chơi kỹ năng, môn chơi hiện đại để đáp nhu cầu ngày càng đa dạng của thanh niên. Đã vậy, các sân chơi tập trung chủ yếu nằm ở trung tâm huyện, xã, cách các khu dân cư hàng chục kilômét nên rất ít thanh niên tham gia. Ở ngoại thành là vậy, tại một số quận nội thành như Tân Bình, quận 8, quận Tân Phú, Bình Tân… cũng thiếu nghiêm trọng. Các quận còn lại đã đầu tư xây nhà văn hóa phường, công viên, tuy nhiên chưa thu hút được nhiều thanh niên tham gia.

Yếu sức hút

Đánh giá về sân chơi cho thanh niên TP hiện nay, anh Dương Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM, nhìn nhận đúng là thanh niên ở TP hiện nay đang rất thiếu sân chơi, không chỉ ngoại thành mà nội thành cũng vậy. Đã thế, việc thu hút thanh niên tham gia các sân chơi đã có sẵn cũng còn hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến thực tế này trước hết là do các quận huyện chưa có nguồn kinh phí để đầu tư, xây dựng và hoạt động.

Với các quận nội thành, quỹ đất hạn chế nên việc tìm kiếm không gian để thiết lập khu vui chơi có vị trí hợp lý là rất khó khăn. Anh Dương Ngọc Tuấn cho biết, vấn đề này đã được hội kiến nghị với lãnh đạo TP, các quận huyện hỗ trợ khắc phục, tuy nhiên để đáp ứng đầy nhu cầu sân chơi cho thanh niên TP thì cần phải có thời gian. Hiện nay, trong lúc sân chơi còn thiếu, chưa đầu tư xây dựng được nhiều khu vui chơi tập trung, hội đang sáng tạo, hình thành và tổ chức nhiều môn chơi mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng cho thanh niên như: kỹ năng sống, dã ngoại, nhảy hiện đại, khoa học vui…

Ở cấp quận huyện, anh Phạm Quốc Kiệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Cần Giờ, cho rằng để nâng cấp chất lượng sân chơi thanh niên, Thành đoàn TPHCM, Hội Liên hiệp Thanh niên TP cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, kỹ năng cho các cán bộ đoàn, các hội viên.

Một khi những cán bộ này vững chuyên môn, nắm chắc kỹ năng thì công tác tập hợp, thu hút thanh niên, hướng dẫn thanh niên tham gia sân chơi mới hiệu quả. Mặt khác, TP cũng cần xem xét hỗ trợ kinh phí cho Hội Liên hiệp thanh niên các quận huyện hoạt động, bởi với 20 triệu đồng/năm đối với cấp quận huyện và 5 triệu đồng đối với Hội Liên hiệp thanh niên cấp xã là quá ít, thực tế kinh phí chi cho các hoạt động của hội trong mỗi tháng cao hơn gấp 6 - 7 lần.

Trong khi đó, chị Lý Thị Phương Nhanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên quận 8, chia sẻ trong khi chưa có quỹ đất, chưa có kinh phí, các quận huyện ngoại thành cần khai thác các khu đất trống, hoang hóa để hình thành các khu vui chơi tạm cho thanh niên.

PHẠM MINH

Tin cùng chuyên mục