“Những thành tựu và bài học đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong lĩnh vực di sản văn hóa” là chủ đề của hội thảo do Sở VH-TT-DL TPHCM tổ chức chiều 25-2. Những việc đã làm được và chưa được cùng nhiều vấn đề xác đáng đã được nêu ra tại hội thảo.
Dấu ấn ngành bảo tàng
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong lĩnh vực di sản văn hóa tại TPHCM những năm qua, dấu ấn trước hết phải nói đến là sự vươn mình của ngành bảo tàng. Thông qua hàng triệu lượt du khách đến tham quan tìm hiểu tại các bảo tàng tại TPHCM mỗi năm, những giá trị văn hóa đặc trưng của một thành phố trẻ, phát triển năng động cũng được quảng bá đến đông đảo bạn bè thế giới.
Việc quy hoạch phát triển hệ thống bảo tàng tuy vẫn chưa tương xứng với tầm vóc của một đô thị lớn như TPHCM nhưng nhiều năm qua, bằng những nỗ lực của mình, ngành bảo tàng tại TPHCM đã không ngừng hoàn thiện.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, quảng bá những giá trị lịch sử văn hóa đến với đông đảo bạn bè du khách quốc tế, giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu thông qua các hiện vật, di vật, cổ vật phục vụ đông đảo công chúng qua đó ngày càng thu hút người dân đến với bảo tàng, đã là những thành công của ngành văn hóa TP.
“Chúng tôi mạnh dạn loại bỏ những hình thức cũ, trưng bày minh họa cho sự kiện, thay vào đó coi trọng việc trưng bày theo sưu tập, theo chuyên đề, đồng thời áp dụng các thủ pháp kỹ thuật, mỹ thuật, nhất là việc kết hợp màu sắc, ánh sáng, âm thanh, hình khối... để nội dung trưng bày của bảo tàng phong phú, hấp dẫn hơn. Bước đầu, chúng tôi cũng ứng dụng hệ thống tra cứu dữ liệu về những tài liệu hiện vật để dẫn dắt và tạo cảm hứng cho khách tham quan”, bà Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM cho biết.
Nhờ vậy, không chỉ có Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM, nhiều bảo tàng tại TP đã tự “làm mới” mình, trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan TPHCM như: Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng…
Bệnh thành tích trong xây dựng thiết chế văn hóa?
Chuyển mình, phát triển, hòa nhập nhưng không “hòa tan” là một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển văn hóa ở TPHCM theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII). Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực của đời sống vẫn tồn tại những tập tục không hay, thậm chí biến tướng đáng quan tâm.
Theo TS Trần Thị Mạo, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM, các cơ quan truyền thông, báo chí lâu nay đã phản ánh rất nhiều nhưng nét văn hóa truyền thống tại nhiều lễ hội đã bị biến tướng không hay thậm chí lễ hội còn bị… thương mại hóa. Nạn đốt vàng mã tràn lan (tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm), giẫm đạp lên nhau để cướp ấn, mua bán lộc… là những hình ảnh vô hình trung làm xấu và mất đi bản chất của lễ hội.
Ở một góc độ khác, TS Phạm Hữu Công, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM, đặt vấn đề: “Việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là rất quan trọng, thế nhưng trong trách nhiệm của mình đến nay, Cục Di sản văn hóa hầu như bỏ trống lĩnh vực này khiến tình trạng mua bán, trao đổi cổ vật, di vật gần như bỏ ngỏ, ngoài tầm kiểm soát”.
Không ngần ngại nhìn thẳng vào vấn đề, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, nêu 3 vấn đề băn khoăn. Từ sau năm 1975 đến nay, TPHCM chưa xây dựng thiết chế văn hóa nào đúng nghĩa. Trừ Nhà hát TPHCM mà người Pháp xây dựng, đến nay TP chưa có một thể chế văn hóa thực sự xứng tầm. Dự án Bảo tàng tổng hợp TP (ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm) dự kiến xây dựng quy mô hoành tráng hàng chục hécta, tuy nhiên thực tế dự án này lại “teo tóp” dần, nghe đâu còn chưa đầy 2ha!
Băn khoăn thứ hai, theo bà Cẩm, là TP vẫn chưa có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa đúng nghĩa. “Thực tế tại nhiều đơn vị quận huyện, có tinh giản hay dư thừa cán bộ thì người ta lại đẩy người sang ngành văn hóa chứ chưa có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa”, bà Cẩm nói. Thứ ba, TP chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, đơn cử là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhưng hàng chục năm qua văn minh đô thị đã thật sự chuyển biến chưa hay chỉ nặng căn bệnh thành tích?
MINH AN