Thiếu tích cực?

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra bản báo cáo về phòng chống tham nhũng của Chính phủ, vừa đưa ra nhận định: “Tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi đó công tác phát hiện và xử lý còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng”.

Cơ quan thẩm tra thẳng thắn chỉ ra rằng, một số hạn chế đã được ủy ban chỉ ra trong năm 2009 và nhiều năm trước vẫn chưa được khắc phục hiệu quả.

Đơn cử, báo cáo của Chính phủ vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành địa phương, đơn vị đã làm tốt hay còn để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, chưa xác định được đầy đủ những căn cứ và tiêu chí làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đánh giá tình hình tham nhũng và hiệu quả của việc phát hiện, xử lý.

Đặc biệt, việc tuyên truyền, giáo dục chưa tạo được sự chuyển biến trong suy nghĩ và hành động của cán bộ, công chức và nhân dân. Khá nhiều cán bộ công chức Nhà nước cũng coi việc nhận tiền là chuyện đương nhiên, “không có thấy thiếu và phát sinh nhũng nhiễu”. Ngược lại, người dân, doanh nghiệp khi cần giải quyết công việc liên quan đến người có thẩm quyền sẵn sàng đưa hối lộ để “được việc”.

Một hạn chế chậm được khắc phục nữa là chậm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Theo UB Tư pháp, dư luận băn khoăn về tính khách quan trong việc tham mưu xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật và cho rằng có biểu hiện cục bộ trong việc bảo vệ lợi ích của một nhóm người.

Liên quan đến việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đã nêu ra thực trạng đáng lưu ý là các vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở, bị can bị khởi tố là cán bộ xã phường chiếm tỷ lệ cao (nhưng số tiền chiếm đoạt không nhiều). Trong khi số người bị phát hiện và khởi tố ở cấp Trung ương là rất ít, song số tiền chiếm đoạt rất lớn. “Kết quả trên đã tạo cơ sở cho dư luận xã hội và cử tri cho rằng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng còn thiếu quyết liệt, nể nang, nương nhẹ”, Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.

Ủy ban Tư pháp cho rằng cần phải có những giải thích minh bạch, thỏa đáng về một số vụ việc cụ thể mà bị can đã bị khởi tố nhưng sau đó đình chỉ điều tra, không để xã hội tự suy luận làm giảm niềm tin vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng. Trong số đó có các vụ việc như Tổng Giám đốc Công ty Cao su Sơn La, ông Võ Nhật Duy, nhận hối lộ 300 triệu đồng, đã bị bắt quả tang và tạm giữ nhưng sau 3 ngày đã tạm tha. Sau đó, ông Võ Nhật Duy được tạm thời trả tự do; cơ quan chức năng tiếp tục điều tra củng cố tài liệu, chứng cứ... Dư luận xã hội cũng nghi ngờ tính nghiêm minh trong thanh tra, kiểm tra nội bộ. Trong khi đó, “các cơ quan truyền thông có biểu hiện quá thận trọng, thậm chí thiếu tích cực trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng”. Hầu hết cán bộ và nhân dân có tâm lý ngại tố cáo tham nhũng do sợ bị trả thù.

Tuy nhiên, lo ngại này không phải không có cơ sở. Bản báo cáo cung cấp thông tin từ các phương tiện truyền thông; theo đó ông Hoàng Văn Khánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may xuất khẩu Hải Phòng, tố cáo việc nhận hối lộ của ông Đoàn Tiến Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, đang bị chính BIDV tiếp tục phong tỏa tài khoản, khiến công ty này đang cận kề nguy cơ phá sản...

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục