Thiếu tôn trọng quyền tác giả

Câu chuyện về việc một số nhà văn trẻ kêu gọi tẩy chay cuốn sách “Hãy nói yêu thôi đừng nói yêu mãi mãi” do hành vi thiếu tôn trọng bản quyền của những người làm sách có thể coi là một câu chuyện buồn của ngành xuất bản đầu năm 2015.

Thế nhưng, hành vi có phần cực đoan của nhóm tác giả lại không phải là vô cớ. Bốn năm trước, khi bộ sách thành công rực rỡ, trở thành một trong những hiện tượng xuất bản (bestseller) thì vấn đề  nhuận bút cho các tác giả theo đánh giá của chính họ đã là “không xứng đáng”. Ban đầu, có lẽ không ai ngờ bộ sách mang tính kỷ niệm lại bán chạy như thế, nên khi bàn thảo về nhuận bút, các tác giả không quan tâm chi tiết. Chính vì thế, dù không hài lòng với mức nhuận bút nhưng hầu hết họ cũng đành chấp nhận. Chính họ cũng sẽ không ngờ, hơn 4 năm sau, khi cuốn sách trên được tái bản, thậm chí đến tiền nhuận bút họ cũng không có. Ngay cả quyền tác giả như việc xin phép, trao đổi với tác giả cũng không được đơn vị làm sách thực hiện. Điều đáng nói là hầu hết các tác giả có tác phẩm trong sách đều đang sống và làm việc ngay cùng một thành phố với những người làm sách, thậm chí nhiều người trong số tác giả và những người làm sách do công việc vẫn thường xuyên gặp mặt nhau. Ấy thế mà phải đến khi các tác giả thông qua truyền thông lên tiếng, người ta mới sực nhớ đến việc tôn trọng quyền tác giả!

Câu chuyện như trên không phải là hiếm hoi trong hoạt động xuất bản. Cách nay vài năm, một đơn vị xuất bản trực thuộc một cơ quan trung ương đã tái bản bộ sách tuyển tập của nhiều tác giả mà không xin phép, không thực hiện các quyền lợi cho các tác giả. Đến khi dư luận lên tiếng, đại diện NXB mới cho rằng “không có điều kiện liên lạc với các tác giả mà yêu cầu xuất bản gấp gáp nên đành phá lệ”. Lời giải thích nghe có vẻ cũng có thể cảm thông nhưng với những ai biết chuyện thì chỉ biết cười trừ vì người phụ trách NXB và vài tác giả trong cuốn sách đang sống cùng một khu tập thể…

Trong một số trường hợp đặc thù, các đơn vị xuất bản không kịp liên hệ với tác giả. Như trường hợp một cuốn sách đặc biệt được làm nhân kỷ niệm 49 ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Do những người làm sách chỉ có vỏn vẹn hơn 30 ngày để làm tất cả, từ tổng hợp tài liệu, xin phép xuất bản, trình bày, biên tập… Chưa kể, họ còn phải tổng hợp các bài báo trên cả nước, thậm chí cả nước ngoài, nhiều tác giả dùng bút danh khiến việc tiếp xúc rất khó khăn. Phải đến sau khi sách được xuất bản, NXB mới liên hệ tác giả để xin phép. Tuy nhiên, hầu như không có tác giả nào phản ứng bởi họ đều hiểu và chia sẻ với đơn vị xuất bản.

Chính vì thế, những sai phạm bản quyền kiểu như cuốn sách “Hãy nói yêu thôi đừng nói yêu mãi mãi” hay ở một số cuốn sách khác cùng dạng dù có giải thích như thế nào thì bản chất vẫn là sự thờ ơ, thiếu nghiêm túc, không tôn trọng quyền tác giả. Việc những sai sót cơ bản như vậy lại xảy ra với những đơn vị làm sách nhiều kinh nghiệm, giàu uy tín, cho thấy ngành xuất bản Việt Nam vẫn có thói quen làm sách thiếu chuyên nghiệp.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục