Thiếu tử tế

Hiện nay, dư luận đang rất lo âu vì tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp. Gần đây, trên các diễn đàn, nhiều người đã chịu khó liệt kê ra khá nhiều thói hư tật xấu của người Việt Nam đương thời, như tính vị kỷ (chỉ biết có mình), thực dụng (chạy theo tiền bạc, vật chất), tính gian dối, thiếu trung thực (cả trong học tập lẫn công tác), thiếu văn minh (chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi, lấy thừa mứa thức ăn rồi bỏ phí), nhất là thói vô cảm (thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, không giúp đỡ người hoạn nạn)…

Hiện nay, dư luận đang rất lo âu vì tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp. Gần đây, trên các diễn đàn, nhiều người đã chịu khó liệt kê ra khá nhiều thói hư tật xấu của người Việt Nam đương thời, như tính vị kỷ (chỉ biết có mình), thực dụng (chạy theo tiền bạc, vật chất), tính gian dối, thiếu trung thực (cả trong học tập lẫn công tác), thiếu văn minh (chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi, lấy thừa mứa thức ăn rồi bỏ phí), nhất là thói vô cảm (thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, không giúp đỡ người hoạn nạn)…

Về nguyên nhân của thực trạng đó, có người đổ cho “mặt trái của kinh tế thị trường”, rồi nào do cả ba môi trường giáo dục là gia đình, nhà trường và xã hội đều còn có mặt khiếm khuyết; lại thêm báo mạng, phim ảnh nặng tính bạo lực, “lá cải”, giật gân, câu khách … Thật ra, đổ thừa cho “mặt trái của kinh tế thị trường” là dễ nhất, nhưng cũng thiếu chính xác nhất, bởi cái gì cũng có “mặt trái” của nó, kể cả tấm huân chương! Vấn đề ở đây là sự quản lý, điều tiết của Nhà nước như thế nào, có hiệu quả hay không mà thôi.

Hãy nhìn sang các quốc gia Bắc Âu và một số nước phát triển khác, những nơi có “thâm niên” kinh tế thị trường hàng trăm năm, xem người dân và quan chức của họ sống có tốt không, có tử tế không? Hỏi, tức là trả lời rồi vậy! Về sự thiếu sót và kém hiệu quả của ba môi trường giáo dục (gia đình - nhà trường - xã hội), trách nhiệm lớn nhất thuộc về xã hội, trong đó có vai trò quản lý của chính quyền. Chính do hiệu quả quản lý còn hạn chế, đôi lúc buông lỏng hoặc thiếu sâu sát của lực lượng công an và chính quyền các cấp, đã khiến không ít người dân trở nên thụ động, không muốn vì lòng tốt mà tự chuốc lấy phiền phức cho mình. Thí dụ, thấy có kẻ móc túi trên xe buýt, nhưng không dám hô hoán hoặc dùng sức mạnh của số đông để trấn áp, vì họ sợ bị đâm (bằng dao, kim tiêm) hoặc sợ bị trả thù sau đó. Còn nếu báo công an xử lý thì phần nhiều đối tượng chỉ bị cảnh cáo rồi tha (do tài sản ăn cắp không lớn). Thiếu tính răn đe nên kẻ gian dễ dàng tái phạm sau đó. Ngay cả tài xế và các tiếp viên xe buýt vốn nhẵn mặt kẻ cắp trên xe vẫn không dám tố cáo thì hành khách thấy sợ cũng phải thôi! Nếu công an xử lý triệt để bọn lưu manh, chắc chắn chúng đã không dám lộng hành như thế.

Tóm lại, để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân sống tử tế, trước hết nhà trường cần phải làm tốt việc dạy cho học sinh điều hay lẽ phải, đề cao đức tính trung thực lên hàng đầu, tuyệt đối không gian dối, chạy theo thành tích nhất thời. Ở nhà ông bà, cha mẹ phải thường xuyên dạy bảo, khuyên răn con cháu, không để trẻ làm điều sai trái. Ngoài xã hội, người lớn phải phấn đấu làm tốt chức trách nhiệm vụ, cấp trên phải gương mẫu cho cấp dưới noi theo, không đạo đức giả, “nói một đằng, làm một nẻo”. Ai làm tốt phải được khen thưởng, trọng dụng; còn nếu làm sai phải xử lý thích đáng.

PHAN TRỌNG HIỀN
(Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục